LTS: Hiện nay, người tiêu dùng thường xuyên mua sắm tại các hệ thống siêu thị lớn, vì với họ, sản phẩm ở những hệ thống này luôn đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ bán những sản phẩm còn hạn sử dụng. Nhưng ngược lại, chính lối suy nghĩ này, đã khiến nhiều người tiêu dùng mua phải nhiều mặt hàng không như ý muốn, nếu ăn phải có khi gây hại cho sức khỏe.

Được biết, Tập đoàn TGROUP là công ty mẹ của hệ thống Công ty cổ phần T-Martstores - Hệ thống chuỗi siêu thị T-Mart, một trong những công ty hàng đầu Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị. Với hệ thống hơn 80 siêu thị T-Mart hiện tại trên cả nước, T-Group đã và đang phát triển vươn lên lớn mạnh từng ngày. Với tiêu chí chủ đạo là luôn đảm bảo giá rẻ, nhiều tiện lợi trong mua sắm đã tạo lên sự thành công của tập đoàn. Mang sứ mệnh: “Trao tận tay người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm chất lượng với mức giá ưu đãi nhất, cung cấp những sản phẩm chính hãng chất lượng từ các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới…”.

Trái ngược lại với lòng tin của người tiêu dùng, siêu thị này đang dần đánh mất thương hiệu bởi những hàng hóa sản phẩm đang len lỏi trong hệ thống siêu thị xuất xứ không rõ nguồn gốc... Để có câu trả lời thích đáng, PV Thương hiệu & Công luận đã "mục sở thị" tại siêu thị.

Trên website và Facebook của Hệ thống siêu thị T-Mart giới thiệu.
Trên website và Facebook của Hệ thống siêu thị T-Mart giới thiệu.

Người tiêu dùng bức xúc phản ánh đến Thương hiệu & Công luận về việc, hệ thống siêu thị T-Mart được cho là hệ thống siêu thị cung cấp những sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới đa dạng các mặt hàng từ sữa, thực phẩm, đồ gia dụng… nhưng, siêu thị T-Mart trên địa bàn TP. Hà Nội lại bày bán nhiều sản phẩm, thực phẩm "trắng thông tin" không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không hạn sử dụng, không tem nhãn phụ tiếng Việt…

Để xác minh thông tin phản ánh, PV Thương hiệu & Công luận đã tìm đến 06 trên 60 cơ sở của hệ thống siêu thị T-Mart trên địa bàn TP. Hà Nội để "mục sở thị" và đã ghi nhận tại 06 cơ sở nói trên, đúng như những gì người tiêu dùng phản ánh.

Cơ sở siêu thị mang tên T-Mart số 184 đường Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Cơ sở siêu thị mang tên T-Mart số 184 đường Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội..

Bán hàng không có tem nhãn, nhân viên T-Mart “đánh đố” người tiêu dùng

Ngày 07/05/2022, PV Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế siêu thị mang tên T-Mart số 184 đường Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tại đây, siêu thị này bày bán nhiều hàng hoá, sản phẩm như: Hoa quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn, mỹ phẩm…

Quan sát kỹ tại gian hàng thực phẩm đông lạnh, PV nhận thấy trên một số sản phẩm không có tem nhãn thể hiện tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng… Khi PV cầm lên xem sản phẩm Cá đựng trong túi nilon, thì có hiện tượng nước chảy lề nhề và dính nhem nhép, trên bao bì của sản phẩm này không có tem nhãn thể hiện thông tin cần thiết như cách bảo quản, nơi cung cấp hàng hoá, ngày sản xuất - NSX và hạn sử dụng - HSD.

Khi PV hỏi nhân viên bán hàng: Đây là sản phẩm cá gì? Nhân viên bán hàng trả lời rất hồn nhiên: “Đây là sản phẩm cá biển”… Câu trả lời của nhân viên này như “đánh đố” người tiêu dùng tự tìm thông tin của sản phẩm vậy? Hay do nhân viên này không biết là sản phẩm cá gì nên trả lời cho qua?

Sản phẩm Cá có hiện tượng nước chảy lề nhề và dính nhem nhép, trên bao bì của sản phẩm trắng thông tin.
Sản phẩm cá có hiện tượng nước chảy lề nhề và dính nhem nhép, trên bao bì của sản phẩm trắng thông tin.

Thiết nghĩ, nhìn bằng mắt thường người tiêu/khách hàng cũng biết là cá, nhưng cái căn bản nhất là người tiêu dùng cần biết là trên sản phẩm đó chưa thông tin về nguồn gốc xuất xứ, HSD… chứ không phải là câu trả lời cho qua của nhân viên bán hàng? Người tiêu dùng hoang mang, đến chính nhân viên bán hàng còn không biết thông tin của sản phẩm thì người tiêu dùng biết tin tưởng vào đâu để lựa chọn, sử dụng sản phẩm, thực phẩm của hệ thống siêu thị này…?

Chưa tìm được câu trả lời thích đáng, PV tiếp tục mang sản phẩm cá ra quầy thanh toán để hỏi. Khi được hỏi về thông tin của sản phẩm, nhân viên này cũng “ú ớ” không biết là cá gì liền quay ra hỏi nhân viên bán hàng khác thì được biết đó là sản phẩm Cá Phèn Hồng. Khi được hỏi về giá của sản phẩm thì nhân viên đó mới tra trên máy tính, sau đó mới in tem nhãn và dán trên sản phẩm. Việc cửa hàng này, không dán tem nhãn thể hiện đầy đủ một số nội dung cần thiết về đơn vị phân phối, cách bảo bảo, NSX và HSD.. sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng cũng không biết sản phẩm có thời hạn như thế nào, sử dụng trong bao nhiêu lâu và có nguồn gốc ra sao. Như vậy, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Chưa kể đến việc, thời điểm PV cầm sản phẩm cá đó trên tay có hiện tượng nước chảy lề nhề và dính nhem nhép, không biết rằng, sản phẩm cá có còn hạn sử dụng nữa hay không? Nếu người tiêu dùng ăn phải những thực phẩm hết hạn, thực phẩm hỏng thì sẽ ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Việc bày bán các sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các thực phẩm liên quan đến ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ thậm chí là cả tính mạng của người tiêu dùng.

Tại khu bày bán đồ ăn, mỹ phẩm, PV Thương hiệu & Công luận còn thấy có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc) nhưng không có nhãn phụ, thông tin của sản phẩm, không có đơn vị nhập khẩu và phân phối có giá bán khoảng 30.000 đồng.

Sản phẩm Rong biển Kokoma Gin
Sản phẩm Rong biển Kokoma Gin.

Quá nhiều sản phẩm "trắng thông tin", nhân viên T-Mart nói: “Nem này bên em tự làm nên không có hạn sử dụng”

Để thông tin được khách quan hơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến siêu thị T-Mart số 247 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội để ghi nhận thực tế. PV nhận thấy cả 02 siêu thị này đều bày bán một số hàng hoá, nhãn mác sản phẩm ghi bằng chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Các mặt hàng không tem nhãn phụ chủ yếu là những sản phẩm thực phẩm đồ ăn, đồ uống…

Đáng nói, cơ sở siêu thị này còn bày bán nhiều thực phẩm tươi sống và thực phẩm đông lạnh không có tem nhãn nhiều hơn cơ sở Tmart số 184 Đại Từ. Tại khu vực bày bán thực phẩm đông lạnh, đập ngay vào mắt PV là “bạt ngàn” những sản phẩm như: Tôm, cá, thịt, ruốc, nem… được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có bất cứ thông tin gì về nơi cung cấp nguồn hàng, cách bảo quản, NSX và HSD. Hàng hóa sắp xếp lộn xộn như một ma trận thách thức khách hàng.

Những sản phẩm như tôm, cá, thịt, ruốc, nem… được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có thông tin về đơn vị phân phối, cách bảo quản, NSX và HSD.
Những sản phẩm như tôm, mực, cá, thịt,… được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có thông tin về đơn vị phân phối, cách bảo quản, NSX và HSD.

Hay như sản phẩm lọ ruốc, không có tem nhãn thông tin liên quan đến sản phẩm. Từ đó, người tiêu dùng không biết đây là loại ruốc từ thịt lợn, thịt gà hay ruốc gì..? Sản phẩm có ngày sản xuất và hạn sử dụng trong bao lâu…? Người tiêu dùng ăn phải những loại thực phẩm đã quá hạn “sử dụng đến ngày” hoặc bảo quản trong tình trạng không tốt có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc nghiêm trọng như salmonella hoặc listeria.

Sản phẩm lọ ruốc không có tem nhãn.
Sản phẩm lọ ruốc không có tem nhãn.

Cầm sản phẩm Nem Rán không có tem nhãn ra quầy thanh toán, PV hỏi về thông tin của sản phẩm thì nhân viên bán hàng nói rằng: “Nem bên em làm từ hôm qua”. Khi được hỏi, nem này được sử dụng trong bao lâu thì nhân viên bán hàng trả lời: “Nem này bên em tự làm nên không có hạn sử dụng”. Như vậy có phải cứ tự làm  là sẽ “không có hạn” dùng, không có ngày hết hạn sản phẩm?

Việc nhân viên nói, sản phẩm này không có hạn sử dụng vô tình khiến người tiêu dùng hiểu rằng cứ những sản phẩm nào của siêu thị T-Mart tự làm là không có hạn sử dụng, có khi nào sản phẩm đó mới mới sản xuất, mới đóng gói như lời nhân viên đó nói.

Sản phẩm Nem Rán T-Mart tự làm và bán ra thị trường.
Sản phẩm Nem Rán siêu thị T-Mart tự làm và bán ra thị trường, được nhân viên bán hàng nói: “Nem này bên em tự làm nên không có hạn sử dụng”.

Qua đó, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, việc cơ sở này tự làm thực phẩm, đồ ăn nhanh đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa? Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng hay chưa? Lý do gì, những sản phẩm được bày bán trong hệ thống siêu thị lớn, được qua các khẩu kiểm định chất lượng rõ ràng mà lại không có tem nhãn?

Các quy định của pháp luật điều chỉnh

Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Tại điểm 1, Điều 44, Luật An toàn thực phẩm quy định về ghi nhãn thực phẩm quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.

Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

Người tiêu dùng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc

Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Từ sự việc nêu trên của 02 cơ sở siêu thị T-Mart, câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra là: Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm "trắng thông tin" bị phản ứng sau dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe, mắc bệnh, phải nhập viện điều trị thì ai chịu trách nhiệm với người tiêu dùng? Siêu thị T-Mart hay cơ quan có thẩm quyền để xảy ra như vậy?

Cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề một số sản phẩm bày bán tại siêu thị lớn này lại không ghi rõ thông tin HSD và không rõ tem nhãn phụ tiếng Việt? Câu hỏi xin được chuyển đến người quản lý hệ thống chuỗi siêu thị T-Mart cũng như ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần T-Martstores.

Trước vi phạm về tem nhãn, tem nhãn phụ số lưương lớn và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ tại siêu thị T-Mart trên địa bàn TP. Hà Nội, đề nghị Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng/khách hàng.

Lê Pháp – Minh An

Còn nữa