Dưới đây là một số nhận định của bà Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) về một số hệ lụy, cũng như việc kiểm soát các tour giá rẻ, tour 0 đồng.

Bản chất của tour giá rẻ, tour 0 đồng

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan là 5 thị trường “gửi” khách lớn nhất. Một số điểm đến thu hút khách Trung Quốc, Hàn Quốc gồm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… do có nhiều chuyến bay thẳng từ các nước tới những điểm này.

Nhiều hệ lụy từ tour giá rẻ, tour 0 đồng! - Hình 1

Năm 2016 Việt Nam đón 10 triệu khách du lịch quốc tế

Thời gian gần đây, xuất hiện một lượng khách quốc tế đi theo tour giá rẻ, tour 0 đồng khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, DN quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu. Rõ ràng, đây là lúc cần thiết tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp quản lý tour giá rẻ, vừa đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định liên tục của thị trường, vừa đạt được sự hài lòng của khách, qua đó giữ gìn hình ảnh của du lịch Việt Nam.

Đối với khách du lịch, tour giá rẻ có thể được hiểu đơn giản, gồm chi phí vé máy bay, tàu, thuyền, ô tô, phí visa, dịch vụ khách sạn, chương trình du lịch… với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà DN phải chi trả.

Đối với DN du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng” hay “tour lãi âm”. Tour 0 đồng, tour âm đồng là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”. Thông qua các hình thức như chăn dắt khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa, còn lại sẽ là “lãi âm” hoặc “lãi dương”. Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch, chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Giải pháp nào cho ngành du lịch?

Chính phủ và ngành du lịch các nước đều đoạn tuyệt với tour giá rẻ và tour 0 đồng, nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. Xin đề xuất một số giải pháp trong tình hình tại Việt Nam:

Thứ nhất, phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.

Thứ hai, với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm, tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang.

Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

Thứ tư, cần thay đổi quan điểm nhìn nhận từ người dân đến các cấp, các ngành đối với bản chất vận động của thị trường và thái độ ứng xử với khách. Tour giá rẻ hay tour 0 đồng không phải lỗi của công ty gửi khách hay công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả cung - cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.

Du lịch thế giới chứng kiến 120 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 215 tỷ USD trong năm 2016. Các quốc gia, ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn săn đón nguồn ngoại tệ này thông qua chính sách mở cửa visa, mở cửa bầu trời, xúc tiến quảng bá.

Trong khi đó, du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, tuy giàu tài nguyên nhưng điều kiện cứng và mềm khác như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, chính sách visa… không có ưu thế cạnh tranh nổi bật. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận thị trường một cách khách quan, thừa nhận và điều chỉnh quản lý song song để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, cho quốc gia.

Quang Nam