Chỉ số Cải cách hành chính đứng đầu các bộ, ngành Trung ương
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp, đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm, đặc biệt là 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác được đề ra tại Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục gặt hái được kết quả cao, là Bộ đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương về Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) năm 2023, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa qua.
Bộ Tư pháp đã thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong việc thực hiện công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Bộ Tư pháp đã ban hành 11 Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ; công bố công khai đối với 154 TTHC thuộc các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch.
Đối với công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô sửa đổi, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, Luật Công chứng sửa đổi…).
Nhiều kết quả nổi bật trong Thi hành án dân sự
Một trong những lĩnh vực quan trọng của Bộ Tư pháp là Thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước và người dân, bảo đảm công lý được thực thi đến cùng.
Theo đó, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã tổ chức triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong công tác THADS, nhất là đối với việc tổ chức thi hành án tham nhũng kinh tế và án tín dụng ngân hàng đang nổi cộm hiện nay.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, toàn Hệ thống THADS tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả đối với vấn đề này để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Lãnh đạo Tổng cục được giao nắm từng địa phương để nắm bắt tình hình cụ thể, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương để như Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...
Nhiều vụ án lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC,... với hàng nghìn đương sự, trong khi cán bộ ít, biên chế lại giảm đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan THADS hiện nay.
Đặc biệt, trong quá trình thực thi công vụ, toàn Hệ thống THADS thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và phối với Viện Kiểm sát các cấp tổ chức giám sát để phòng ngừa sai phạm, nhất là trong quá trình bán đấu giá tài sản để tổ chức thi hành án.
Trong 09 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn Hệ thống THADS đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ đồng; tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,6% (giảm 4,86% so với cùng kỳ năm 2023).
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) 06 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, cụ thể, các cơ quan THADS thực hiện theo dõi 1.387 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc; đã thi hành xong 400 việc (tăng 184 bản án so với cùng kỳ năm 2023); đang tiếp tục thi hành 979 bản án.
Thời gian tới, toàn Hệ thống THADS tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo...
Sửa đổi Nghị định 55, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương
Kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, những kết quả đạt được và với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Đồng thời, tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhất là dự án Luật Công chứng và các Báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Một trong những thành tích tiêu biểu là việc Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác pháp chế.
Theo đó, Chính phủ đã đồng ý chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế là 60.000 đồng/ngày làm việc ở Trung ương và 40.000 đồng/ ngày làm việc ở địa phương. Đồng thời, việc thực hiện việc bổ nhiệm ngạch Pháp chế viên đối với công chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương đang được Bộ Tư pháp dự thảo, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn.
Các công tác khác của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả nổi bật như công tác bổ trợ tư pháp, quốc tịch hộ tịch, phổ biến và giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, con nuôi,...
C.P