Hàng xách tay “trà trộn” hàng chính hãng

Ngày 05/09/2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có mặt tại cơ sở WheyStore số 17 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội để ghi nhận thực tế, có cái nhìn khác quan, đa chiều. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại cửa hàng đang bày bán đa dạng các sản phẩm hỗ trợ tăng cân, tăng cơ, giảm mỡ, bổ sung vitamin... cho quá trình luyện tập thể hình với nhiều thương hiệu, chủng loại và mức giá khác nhau.

Nhiều sản phẩm tại hệ thống WheyStore không nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Tuấn Quang.
Nhiều sản phẩm tại hệ thống WheyStore không nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh Tuấn Quang.

Điều đáng nói, tại đây, bên cạnh các mặt hàng được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt cung cấp đầy đủ thông tin về tên, nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng sản phẩm... thì cũng xuất hiện không ít sản phẩm với 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

Cụ thể, một số sản phẩm phải kể đến như: Supernova Infinite, Platinum Multi Vitamin, EVL Vitamode, EVL FlexMode, Now Nac, Nutrabolics Vitamin D3 + K2, Natural Astaxanthin, Ostrovit Testo Booster, EVL Women’s Multivitamin, Ostrovit Vitamin D3 4000 + K2, EVL Stacked Greens Raw, BCAA Amino-Hydrate Energy, ABE All Black,...

Sản phẩm Ostrovit Omega 3 Extreme và EVL Vitamode trắng thông tin tiếng Việt. Ảnh: Tuấn Quang.
Sản phẩm Ostrovit Omega 3 Extreme và EVL Vitamode trắng thông tin tiếng Việt. Ảnh Tuấn Quang.

Khi phóng viên tỏ ra lo ngại về chất lượng sản phẩm Ostrovit Omega 3 Extreme có giá 380.000 đồng với 100% chữ nước ngoài, nhân viên vội đáp: Sản phẩm dầu cá này giúp hỗ trợ hoạt động của tim mạch, não bộ. Hàng nhập khẩu mới có tem phụ tiếng Việt, còn hàng xách tay nên không có nhãn phụ.

Tiếp đó, phóng viên có mặt tại hai cơ sở WheyStore khác tại 125 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội và số 21 Trần Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, phóng viên ghi nhận tình trạng hoạt động kinh doanh tương tự. Tại đây có rất nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt tại các cửa hàng chủ yếu là mặt hàng Vitamin khoáng chất như: EVL Vitamode, EVL Women’s Multivitamin, OstroVit 100% Vit&Min, MuscleTech Hydroxycut Hardcore, OstroVit Glucosamine MSM Chondroitin, Nutrabolics Vitamin D3 + K2, Vitamin K2+D3, Ostrovit Omega 3 Extreme, OstroVit MGZB ULTRA, Ostrovit Testo Booster, AGGRO, NOW NAC, OstroVit EAA 1150, Nutrabolics Anabolic State, Nutrabolics Semtex, Nutrex Lipo6 Black, Vitamin D3 4000 + K2, OstroVit Omega3 D3+K2, OstroVit Vitamin D3 5000IU, OstroVit coconut oil spray…

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Trong đó, nhãn gốc là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.

Thực phẩm chức năng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT cũng như những quy định khác. Ảnh: Tuấn Quang.
Thực phẩm chức năng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT cũng như những quy định khác. Ảnh Tuấn Quang.

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung.

Ngoài ra, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.

Tùy loại hàng mới xuất được hóa đơn

Theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ban hành ngày 12/09/2018, với các giao dịch mua, bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT cho người mua.

Tại Điều 4, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ đã quy định rõ: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Khi phóng viên thắc mắc cửa hàng có xuất được hóa đơn giá trị gia tăng không thì nhân viên tại cơ sở Wheystore (17 Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết: “Anh mua hàng thì chỉ có hóa đơn mua hàng thôi còn bên em không có hóa đơn giấy, không xuất hóa đơn đỏ (hóa đơn VAT - PV)”.

Còn nhân viên tại cơ sở Wheystore 125 Lê Thanh Nghị lại cho biết, chỉ những sản phẩm có nhà phân phối (có nhãn phụ tiếng Việt) mới có thể xuất hóa đơn VAT còn những sản phẩm xách tay (nhập trực tiếp từ nước ngoài – PV) thì không xuất được hóa đơn VAT.

Sản phẩm EVL Stacked Greens Raw và BCAA Amino-Hydrate Energy với 100% chữ nước ngoài. Ảnh: Tuấn Quang.
Sản phẩm EVL Stacked Greens Raw và BCAA Amino-Hydrate Energy với 100% chữ nước ngoài. Ảnh: Tuấn Quang.

Có thể nói, việc kinh doanh nhiều sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo tại các cửa hàng WheyStore tại Hà Nội đang làm cho người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu công dụng cũng như nguồn gốc sản phẩm...

Bên cạnh đó, việc cửa hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng trong trường hợp phải xuất cũng đang đặt ra nhiều đề về thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Để rộng đường dư luận, cùng với đó là tìm hiểu sự việc một cách khách quan, đa chiều, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với cơ sở Wheystore nhưng không nhận được phản hồi từ đơn vị này.

Đề nghị Cục Quản lý thị trường, cùng các cơ quan có liên quan kiểm tra,  xác minh, đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) của hệ thống WheyStore nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.

Hệ thống WheyStore “nổ” định vị thương hiệu trên website https://www.wheystore.vn/. Ảnh: Tuấn Quang.
Hệ thống WheyStore “nổ” định vị thương hiệu trên website https://www.wheystore.vn/. Ảnh: Tuấn Quang.

Theo tìm hiểu của phóng viên, WheyStore được biết đến làm một trong những cơ sở chuyên phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung cho quá trình hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt cho những người luyện tập thể hình. Cơ sở này kinh doanh trên cả hai hình thức đó là kênh bán hàng online và đi kèm theo đó là hệ thống showroom trưng bày sản phẩm.

Để gây dựng niềm tin đối với khách hàng, website https://www.wheystore.vn/ liên tục cam kết và khẳng định chỉ bán hàng chính hãng, không bán hàng giả, hàng nhái, tất cả hàng hóa đều có tem chống giả. Uy tín nhiều năm trên cộng đồng GYM Hà Nội; cũng như tự nhận mình là chuyên gia về dinh dưỡng cũng như đã đăng ký và được Bộ Công Thương xác nhận đủ năng lực, tiêu chuẩn để cung cấp và bán các sản phẩm thực phẩm bổ sung: tăng cân, tăng cơ, giảm mỡ...

Tuấn Quang