Rất khó để tìm ra sản phẩm đúng theo quy định về nhãn phụ tiếng Việt tại hệ thống cửa hàng Cartoon’s Baby. Ảnh: Tuấn Quang.
Nhiều sản phẩm không có đầy đủ nhãn phụ tiếng Việt theo đúng theo quy định tại hệ thống cửa hàng Cartoon’s Baby. Ảnh Tuấn Quang.

"Hàng xách tay…."

Người tiêu dùng phản ánh tới Thương hiệu và Công luận và đặt các câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm được bày bán tại hệ thống cửa hàng mang tên Cartoon’s Baby.

Cụ thể, theo phản ánh, hệ thống Cartoon’s Baby hiện có 3 cơ sở đang bày bán nhiều sản phẩm phục vụ cho đối tượng là mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Nhưng đáng nói, tại đây nhiều sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo. Điều này khiến khách hàng, người tiêu dùng không biết nguồn gốc của các sản phẩm, cách sử dụng, tác dụng...

Sữa Ensure, sữa Blédilait, sữa Meiji không nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Tuấn Quang
Sữa Ensure, sữa Blédilait, sữa Meiji không nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Tuấn Quang.

Ngày 21/08/2022, phóng viên có mặt tại cửa hàng Cartoon’s Baby, địa chỉ 36 Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tại đây, phóng viên nhìn thấy nhiều sản phẩm cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh như sữa, bỉm, đồ ăn dặm, thực phẩm chức năng... với đa dạng chủng loại và mẫu mã, có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau.

Điều đáng nói rất khó để tìm ra một sản phẩm có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định mà thay vào đó là những mặt hàng như sữa Blackmores, sữa Aptamil, sữa Nestle, sữa Ensure, dầu ăn, cháo dinh dưỡng, sản phẩm Orgain Organic Protein, thực phẩm chức năng như L'il Critters, Smarty Pants, Delish!, Ostelin, Pregnacare, Springleaf, Centrum... tất cả đều ‘trắng’ thông tin tiếng Việt, 100% chữ nước ngoài khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin sản phẩm.

Nhiều mặt hàng sữa tại cửa hàng 100% chữ nước ngoài, dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Tuấn Quang.
Nhiều mặt hàng sữa tại cửa hàng 100% chữ nước ngoài. Ảnh Tuấn Quang.

Khi phóng viên thắc mắc việc nhiều sản phẩm tại cửa hàng không có nhãn phụ tiếng Việt thì nhân viên bán hàng lý giải: “Nếu là hàng nhập khẩu thì sẽ có tem phụ, còn toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng đều là hàng ‘xách tay’ nên không có nhãn phụ tiếng Việt. Sau khi mua hàng, cửa hàng chỉ có hóa đơn xuất hàng chứ không có hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng) cho khách mua hàng”.

Một số sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ không nhãn phụ tiếng Việt được ghi nhận tại cửa hàng. Ảnh: Tuấn Quang.
Một số sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ không nhãn phụ tiếng Việt được ghi nhận tại cửa hàng. Ảnh Tuấn Quang.

Tiếp đó, khi có mặt tại cơ sở Cartoo’n Baby, địa chỉ số 195 Đại La và 216 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, phóng viên tiếp tục ghi nhận tình trạng kinh doanh hàng hóa tương tự. Tại đây số lượng sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt còn được bày bán nhiều hơn cơ sở 36 Trần Đăng Ninh.

Một số đồ ăn dặm cho bé tại cửa hàng. Ảnh: Tuấn Quang
Một số đồ ăn dặm cho bé tại cửa hàng. Ảnh Tuấn Quang.

Thực phẩm chức năng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT cũng như những quy định khác, cũng thấy bày bán ở các cơ sở của Cartoo’n Baby.

Thực phẩm chức năng Pregnacare với 6 mặt vắng bóng chữ tiếng Việt. Ảnh: Tuấn Quang.
Thực phẩm chức năng Pregnacare với 6 mặt vắng bóng chữ tiếng Việt. Ảnh Tuấn Quang.

Sau khi ghi nhận thực tế, ngày 26/08/2022, phóng viên đã liên hệ và đặt nội dung làm việc với đại diện hệ thống Cartoon’s Baby. Tuy nhiên, sau nhiều ngày trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ hệ thống Cartoon’s Baby.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.Một số sản phẩm bình sữa không rõ nguồn gốc tại cửa hàng Cartoon’s Baby số 36 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Quang.

Một số sản phẩm bình sữa không rõ nguồn gốc tại cửa hàng Cartoon’s Baby số 36 Trần Đăng Ninh. Ảnh: Tuấn Quang.

Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020 của Chính phủ, hàng hóa nhập lậu gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Trường hợp kinh doanh "hàng xách tay" được coi là hợp pháp khi đảm bảo các điều kiện về nhập khẩu như: Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. Đồng thời, phải đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định.

Do thiếu hiểu biết hay hệ thống Cartoon’s Baby đang cố tình sai phạm?. Ảnh: Tuấn Quang
Hệ thống Cartoon’s Baby bày bán thực phẩm chức năng toàn chữ nước ngoài. Ảnh Tuấn Quang.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.

Đề nghị Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuấn Quang