ảnh minh hoạ
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá (2,68%); tuy vẫn bị hạn chế bởi dịch tả lợn châu Phi; xuất khẩu thủy sản đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia khác. Khu vực công nghiệp-xây dựng đạt tăng trưởng giá trị gia tăng ở mức 8,63%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,5%. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các doanh nghiệp chế biến chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp”, tiếp cận thông tin minh bạch.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,3 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp chung đạt 2,17% trong quý I, giảm nhẹ so với cùng kỳ các năm trước. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về tỉ lệ nữ doanh nghiệp và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ.
CPI bình quân tăng 2,63%, chịu ảnh hưởng của các nhân tố: Giảm chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm; cách thức kiềm chế giá cả còn mang nặng tính “hành chính”; điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng 3/2019 chưa được phản ánh vào CPI tháng 3. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định trong quý I/2019, chủ yếu do một số ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh; Fed công bố không tăng lãi suất trong năm. Tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 và 10,99% so với cuối quý I/2018. Dư nợ tín dụng đến 20/3 tăng khoảng 2,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Xử lý nợ xấu có thêm chuyển biến. Tỉ giá trung tâm đến cuối quý I tăng 0,68% so với cuối quý IV/2018. Tỷ giá của NHTM và thị trường tự do khá ổn định.
Đáng chú ý, cơ cấu nguồn đầu tư tiếp tục xu hướng chuyển dịch thu hẹp tỉ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước và tăng tỉ trọng đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,8 tỷ USD trong quý I, tăng 86,2% so với cùng kỳ 2018 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây.
Tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86 tỷ USD, tăng 5,3%. Nhập khẩu đạt 57,45 tỷ USD, tăng 8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12%...
Công tác điều hành tài khóa thời gian qua có một số điểm tích cực như: Hiệu quả phối hợp của chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác được cải thiện đáng kể; cơ cấu lại NSNN ít nhiều đã mang lại hiệu quả tích cực; điều hành chính sách tài khóa đã ít nhiều linh hoạt hơn.
Kết quả cập nhật dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II đến quý IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt; nhu cầu phê chuẩn sớm EVFTA có thể giảm bớt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP; thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.
Hà Trần