Những năm gần đây, các thương vụ M&A giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ có chiều hướng suy giảm, nhường chỗ cho các thương vụ M&A giữa các công ty Mỹ và châu Âu, đồng thời hoạt động M&A cũng đang có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các hoạt động M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã giảm mạnh do sự tẩy chay của các doanh nghiệp Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ đã hướng sang “lục địa già” Châu Âu để tìm kiếm các món hời, bởi các doanh nghiệp ở khu vực này có nhiều bằng sáng chế, bí quyết hoặc có thể là doanh nghiệp đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung cấp dịch vụ, công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tiến sỹ Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS
Tiến sỹ Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS.

Theo thống kê, tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022 chỉ diễn ra 12 thương vụ M&A, với 04 thương vụ liên quan đến mảng công nghệ; còn lại là các thương vụ liên quan đến dự án khí đốt, thương mại điện tử, logistics… Số lượng thương vụ M&A giảm sút trong năm 2022, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, một phần bị tác động bởi tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các hoạt động bán ngoại tệ hoặc triển khai các nghiệp vụ OMO, thanh khoản kém dồi dào hơn so với năm 2021.

Đặc trưng của các hoạt động M&A trong nước vẫn đến từ hoạt động của các quỹ đầu tư vốn cổ phần, các quỹ PE; thiếu những đối tác mua chất lượng là các công ty lớn đến từ Châu Âu hay Bắc Mỹ. Các đối tác đầu tư lớn tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay đa số đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Cho dù nhu cầu và các thương vụ M&A giữa các khu vực, các quốc gia đang có xu hướng gia tăng, nhưng rõ ràng, các công ty có nhu cầu M&A đang ngày càng thận trọng hơn trong việc chọn đối tác, chọn các doanh nghiệp an toàn, hiểu rõ nguồn gốc, đơn giản, mang lại nhiều giá trị gia tăng, nên ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch đầu tư tài chính với chi phí thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng M&A toàn cầu theo cách truyền thống.

Tiến sỹ Lê Đức Khánh phân tích: Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều tài sản có giá trị bị bán tháo, cũng như nhiều doanh nghiệp có thể nằm trong diện tái cấu trúc hoặc bị mua lại (có thể là các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, các fintech, thương mại điện tử, logistics…).

"Do đó, năm 2023 rất có thể sẽ là năm xuất hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, công nghệ, khoa học, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Một số thương vụ M&A có thể liên quan tới Cholimex, Eximbank, KIDO...", Tiến sỹ Lê Đức Khánh nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Lê Đức Khánh, hoạt động thoái vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp dầu khí được các nhà đầu tư tổ chức và các công ty quốc tế quan tâm được dự báo sẽ là tâm điểm của thị trường. 

Công Huy (t/h)