Theo dự báo của các chuyên gia bất động sản thì, triển vọng dài hạn về thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển bứt phá, với khả năng hợp tác dự án theo hướng mua bán sáp nhập, thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại khá triển vọng.
Hoạt động mua bán sáp nhập - M&A các dự án bất động sản tại Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đây được coi là hình thức chủ đạo để nhà đầu tư lựa chọn là “điểm đến” đầu tư tại Việt Nam. Vì thế, để tăng thêm sức hấp dẫn với các nhà đầu tư "ngoại", thị trường cần phát huy tối đa tiềm năng và khắc phục những hạn chế, nhất là về mặt chính sách, pháp luật để huy động nguồn lực đất đai vào đầu tư phát triển.
TS. Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VINA phân tích: “Sự tăng vượt bậc của các dự án M&A vừa qua là sự ghi nhận rất lớn của sức hấp dẫn bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi chỉ lưu ý đối với các nhà đầu tư này, khẩu vị cũng rất khác. Họ ưu tiên và chỉ quan tâm các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý rồi. Vị trí ở các khu vực trung tâm như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Sự đầu tư sẽ tập trung ở những khu vực đông đúc, triển vọng”.
Như vậy, mặc dù thị trường bất động sản sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng những hạn chế trong hệ thống pháp lý cũng như cách thức doanh nghiệp tiếp cận M&A sẽ là các “rào cản” khả năng chuyển đổi của các giao dịch. Do đó, chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá khách quan, thấu đáo và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cả về chất và lượng.
Điều này cũng đã được nhận diện từ cấp điều hành vĩ mô và chỉ đạo sửa đổi các luật liên quan tới thị trường bất động sản như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... để tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi họ dịch chuyển sang khu vực có nền chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô triển vọng và môi trường đầu tư thông thoáng.
“Thực tế, hệ thống pháp luật, các đạo luật liên quan có bất cập chưa phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường sửa đổi Luật Đất đai. Theo đó, tôi cho rằng, bất cập đầu tiên cần phải sửa đó là về phân loại đất. Từ đó, tạo quỹ đất đó để thu hút nhà đầu tư đối với các dự án” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nói.
Ngành bất động sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo sức bật cho các hoạt động mua bán-sáp nhập và trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp quốc tế trong năm 2022. Cho dù những tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chính việc đánh giá kỹ những lợi thế và hạn chế của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp phát huy tiềm năng thương mại.
Bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư của Công ty tư vấn BĐS Savills Hà Nội, nhìn nhận, khả năng năm nay Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình hình hoạt động M&A tích cực. Đặc biệt, ngành kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 toàn ngành khi thu về tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% thị phần. Tuy vậy, do thị trường M&A là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình này.
Đối với những doanh nghiệp sở hữu dự án lớn, do họ chưa lên kế hoạch cụ thể cho sự phân kỳ hợp lý ngay từ giai đoạn quy hoạch dự án, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng... là những vấn đề tiếp tục giải quyết để quá trình M&A ngày một tích cực và hiệu quả.
Nhận diện thị trường M&A tại Việt Nam sở hữu nhiều ưu thế so với các quốc gia trong khu vực, song vẫn tiềm tàng nhiều thách thức cho nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản khá phức tạp. Do đó, các bên tham gia cần tìm hiểu kỹ càng cũng như lập kế hoạch chi tiết để hướng tới giá trị dài hạn trong tương lai.
Bên cạnh lợi nhuận trước mắt, hoạt động đầu tư hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần hướng tới những giá trị lâu dài của các bên trong thương vụ M&A để đưa ra những cam kết phù hợp, giúp tăng phần trăm thành công của giao dịch theo hình thức này tại Việt Nam.
Trong năm 2021, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 31 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn đã được giải ngân năm ngoái đạt 2,6 tỷ USD, giảm 1,6 tỷ USD so với năm trước đó. Điều này cho thấy trên thị trường vẫn còn nhiều dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện pháp lý để giải ngân.
Q.N (t/h)