Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.
Theo đó, nhiều nhà băng đạt được mức tăng trưởng cho vay cao hơn nhiều bình quân chung cả ngành, như LPBank (15,2%), ACB (12,8%), HDBank (12,5%), Techcombank (14,2%), MB (10,3%), VPBank (10,2%)..., trong khi một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá thấp như: PVCombank (5,5%), SHB (5,2%), VIB (4,7%), TPBank (4%), ABBank (-7%)…
Điều này cũng phản ánh qua mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Cụ thể, đến 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Như vậy, sau khoảng nửa năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng.
Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. (Ảnh: Int)
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Tuy nhiên, sau nửa năm, tăng trưởng tín dụng không diễn ra đồng đều giữa các ngân hàng.
Trước đó, theo báo cáo từ NHNN, tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25%. Còn nếu xét thời điểm hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần. Do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể sẽ phải đánh đổi bằng thu nhập lãi thuần giảm nhẹ.
Mới đây, trong buổi họp báo thường kỳ của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng nào không cho vay được thì điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác. Đồng thời, sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Theo ông Tú, NHNN sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới. Đây là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi năm ngoái cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đạt đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. “Do đó, việc thay đổi là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Dù vậy, đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, thậm chí có TCTD tăng trưởng âm.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay thì hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm 2024; trong khi đó, 8 tháng đầu năm, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng.
Do đó, 5 tháng cuối năm hệ thống sẽ cần đẩy ra lượng vốn còn lại hơn 1,1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với hệ thống ngân hàng.
Hương Thủy (Nguồn: https://markettimes.vn/)