Theo IEA, nhu cầu của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ giảm 400.000 thùng/ngày (bpd) xuống 15,4 triệu trước khi tăng gần 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
IEA dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm tới do mức trần của G7 đối với giá dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 05/12.
Tổ chức này nêu trong báo cáo được công bố hôm thứ Tư: “Mặc dù giá dầu thấp hơn là một cứu trợ đáng hoan nghênh cho người tiêu dùng đang đối mặt với lạm phát cao, nhưng tác động đầy đủ của các lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu thô và sản phẩm của Nga vẫn còn phải xem xét”.
![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/12/15/tumisu-hausse20221206095542-1671073275.jpg)
Đại diện IEA nhận định, những thách thức kinh tế và lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá dầu trong năm nay, nhưng nhu cầu ở một số khu vực lại tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Đông.
IEA cho biết thêm trong báo cáo hàng tháng: “Mặc dù mức độ hạn chế ở Trung Quốc vẫn còn cao, nhưng kế hoạch đã thiết lập để mở cửa dần dần vào năm 2023”.
OPEC đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022 và 2023 xuống 100.000 thùng mỗi ngày so với ước tính của tháng trước do chính sách Covid-19 vẫn còn nghiêm ngặt của Trung Quốc và những thách thức kinh tế ở Châu Âu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cho biết trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR) được công bố ngày 14/11.
"Sự không chắc chắn đáng kể liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, kèm theo lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu góp phần làm giảm tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Ngoài ra, việc Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt chính sách "zero Covid-19" càng làm tăng thêm sự không chắc chắn, khiến con đường phục hồi của nước này càng trở nên khó lường hơn", OPEC cho biết.
Vào tháng 10, một tuần sau khi tuyên bố cắt giảm 02 triệu thùng/ngày đối với mục tiêu khai thác dầu chung, OPEC đã cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho cả năm 2022 và 2023. Những ước tính đó hiện được điều chỉnh giảm thêm 100.000 thùng/ngày.
OPEC hiện nhận định mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đạt 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022 sau khi cắt giảm gần 400.000 thùng/ngày so với dự báo nhu cầu quý IV.
Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo đạt trung bình 99,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, với các nền kinh tế phát triển ở Châu Mỹ có nhu cầu tăng cao nhất, dẫn đầu là Mỹ nhờ nhu cầu xăng và dầu diesel phục hồi. Các sản phẩm chưng cất cũng được dự báo sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu trong năm nay, OPEC cho biết thêm.
Đối với năm 2023, OPEC hiện dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu ở mức 2,2 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng/ngày so với mức tăng dự kiến trong báo cáo tháng 10. Theo OPEC, nhu cầu dầu thế giới được thiết lập ở mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày, được hỗ trợ bởi những cải thiện về địa chính trị dự kiến và các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Theo PetroTimes