THCL Những ngày cận dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân càng tăng mạnh, hiện tại các bến xe thuộc TP. Hà Nội đang "căng sức" để lên phương án vận chuyển hành khách. Theo khuyến cáo, hành khách có nhu cầu cần vào quầy mua vé để đảm bảo có chỗ ngồi ổn định, tránh bắt xe ngoài đường, gây ùn tắc, tiếp tay cho tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Những ngày giáp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến
Sẽ tăng cường hơn 2.600 xe
Theo thông báo của Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội, dịp cao điểm nghỉ Tết Nguyên đán Dinh Dậu dự kiến sẽ từ 22 - 26/1/2017, Hà Nội sẽ tăng cường hơn 2.600 xe khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong, đáp ứng đủ nhu cầu lượng khách gia tăng gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường.
Đại diện cơ quan này cũng cho biết, công ty đã quán triệt đến các bến xe của Hà Nội tinh thần phục vụ đến hành khách cuối cùng, đảm bảo không để khách không đón được xe về quê ăn Tết; đồng thời các đơn vị vận tải chuẩn bị sẵn phương tiện dự trữ để sẵn sàng giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến.
Tất cả các nhà xe, hãng xe chạy đường dài tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm hiện cũng đã chuẩn bị kế hoạch tăng cường xe Tết phục vụ hành khách; đồng thời tổ chức bán vé trước cho hành khách chủ động ngày giờ đi và kế hoạch của mình.
Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Đức Vui cho biết, bến xe đã chủ động chuẩn bị 130 lượt xe/ngày, để đáp ứng nhu cầu gia tăng lượng hành khách trên các tuyến trong các ngày cao điểm. "Lượng hành khách trong dịp Tết năm nay có thể tăng 15 - 20% so với ngày thường, nên bến xe yêu cầu phải đảm bảo 100% quân số túc trực, hướng dẫn xe vào đón trả khách đúng nơi quy định, không để ùn tắc giao thông trong bến xe và địa bàn giáp ranh, không để xảy ra tình trạng lôi kéo, ép giá, ép khách. Khách hàng nên vào bến mua vé trước khi lên xe để đảm bảo tránh bị nhồi nhét, chặt chém khi đi xe", ông Nguyễn Đức Vui khuyến cáo.
Dự báo, lượng khách càng cận dịp Tết càng tăng mạnh, để giải tỏa vấn đề này, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, bến đã xây dựng phương án tổ chức giao thông sắp xếp và điều tiết phương tiện, triển khai kịp thời phương án tăng cường xe để giải tỏa khách trong ngày cao điểm; phục vụ hành khách nhanh chóng thuận tiện, an toàn, văn minh lịch sự…
Tại bến Mỹ Đình, Ban quản lý bến cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của bến xe như: Không chở quá số người quy định, tự ý nâng giá vé. Kiên quyết không cho xuất bến các xe không đủ tiêu chuẩn như chở quá tải, chủ phương tiện uống bia rượu, sử dụng chất kích thích...
Giá vé xe tuyến đường dài tăng… chóng mặt
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, từ ngày 19/1 các nhà xe Đà Nẵng thông báo sẽ tăng giá vé từ 340.000 đồng lên 580.000 đồng/khách (tăng 60%). Xe từ Giáp Bát đi TP. HCM ngày thường có mức giá 620.000 đồng/khách, cũng đã thông báo tăng lên trên 900.000 đồng/khách.
Theo khuyến cáo, người dân nên vào quầy mua vé để đảm bảo có chỗ ngồi ổn định, tránh bắt xe ngoài đường, gây ùn tắc giao thông
Tại bến xe Nước Ngầm, các tuyến đường dài cũng đã đăng ký tăng giá vé với mức tăng từ 30-60%. Trong đó tuyến Gia Lai đi Nước Ngầm tăng 60%, TP. HCM tăng 40%.
Nhà xe Hoàng Long tăng giá vé Hà Nội - TP.HCM từ 950.000 đồng/khách lên 1.330.000 đồng/khách.
Trong khi đó, các tuyến ngắn từ Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai hầu như không có sự điều chỉnh giá.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, tăng giá chủ yếu ở các tuyến xe chạy đường dài với cự ly 500km trở lên. Sở dĩ các nhà xe tăng giá do những ngày Tết xe chỉ một chiều có khách còn chiều ngược lại phải chạy rỗng.
“Như tuyến TP. HCM - Hà Nội, dịp trước Tết chỉ có chiều ra Giáp Bát có khách còn chiều về hầu như không có. Ngược lại, sau Tết chủ yếu khách từ Bắc vào Nam đông còn chiều ra lại rất ít. Chính vì vậy các DN tuyến đường dài tăng giá vé để bù vào chiều chạy rỗng”, ông Thành giải thích.
Ông Thành cho rằng, nếu DN vận tải muốn điều chỉnh giá thì phải có thông báo bằng văn bản, từ đó bến xe có ít nhất 1 tuần chuẩn bị các thủ tục để DN được niêm yết giá vé mới.
Tuy nhiên, nay đã là ngày 19/1 (tức 22 tháng Chạp năm Bính Thân), trong khi cao điểm Tết bắt đầu từ sau ngày 25 tháng Chạp hằng năm, thời gian không còn đủ để DN vận tải làm thủ tục xin tăng giá vé.
Do vậy, trừ các DN vận tải đường dài trên 300km, các DN dưới 300 km sẽ không tăng giá vé trong dịp Tết này.
Tuấn Ngọc