Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào các yếu tố sau:
Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Đối với thương mại trong nước: Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng. Triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên, thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn như: Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.
Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xung đột Nga-Ukraine tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...
Việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.
Minh Anh