Tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai hiện có tổng cộng 5 trạm dừng nghỉ được đặt tại các vị trí Km22+900, Km57+500, Km117+500, Km171+500 và Km236+940 đã mang lại những tiện ích không nhỏ cho hành khách đi đường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số những bất cập liên quan đến một số trạm dừng nghỉ. Bởi, hành khách không khỏi ái ngại như việc phải chi trả những khoản chi phí trên trời mà lại được hưởng những dịch vụ với chất lượng rất thấp.
Liệu rằng lực lượng chức năng có biết: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Khảo sát dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, phóng viên ghi nhận được những nghi vấn liên quan đến chất lượng hàng hóa đang được bày bán tại đây, rất đáng được dư luận quan tâm.
Cụ thể, ghi nhận tại trạm dừng nghỉ Km236+940 nằm trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đây là trạm dừng nghỉ đầu tiên xuất phát từ tỉnh Lào Cai, trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Mỗi ngày, trạm này đón một lượng khách không ít để dừng chân và mua sắm.
Quan sát thấy, tại khu thương mại và dịch vụ của trạm bày bán la liệt các đặc sản Tây Bắc. Trong đó, đáng chú ý là những sản phẩm thuốc nam phục vụ theo nhu cầu của hành khách dừng chân như: Nấm linh chi rừng, sâm xuyên đá, cây lá mát gan,… được bày biện rất bắt mắt.
Trên mỗi bao bì của sản phẩm đều được ghi là thuốc gia truyền với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như mát gan, bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe,…, tuy nhiên nếu quan sát kỹ có thể thấy, trên các bao bì sản phẩm này đều không có bất cứ một thông tin nào ghi tên nhà sản xuất. Thậm chí, khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, nhân viên bán hàng còn lúng túng không biết do đơn vị nào sản xuất.
Điều đáng nói, khu bán thuốc nam này chiếm diện tích không nhỏ tại trạm dừng nghỉ, bày bán la liệt những mặt hàng được gọi là thuốc kia lại không rõ nguồn gốc xuất xứ, liệu rằng lực lượng chức năng tại địa phương có biết việc này?
Tương tự, tình trạng hàng hóa tại các trạm dừng nghỉ đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tem nhãn cũng diễn ra một cách công khai.
Ghi nhận tại hai trạm dừng nghỉ Tuấn Tú trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào cuối tháng 7/2023, đây là trạm được đánh giá có quy mô lớn nhất trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tích hợp đầy đủ dịch vụ như: trạm xăng dầu, vệ sinh, ăn uống, mua sắm tiện ích, ... Mỗi ngày trạm này đón hàng nghìn lượt khách ra vào tấp nập.
Ngoài sản phẩm nội địa là đặc sản các vùng miền đang được bày bán tại khu mua sắm tiện ích, chủ trạm dừng nghỉ này còn khéo léo “cài” thêm cả mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc nam, đồ ăn nhanh, bánh kẹo nhập ngoại mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ghi nhận tại quầy mua sắm tiện ích, những sản phẩm như: Thực phẩm chức năng, bánh kẹo, nước ngọt, đồ chơi ngoại nhập đều không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không thể hiện rõ đơn vị nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm là ai, rất “tù mù” về thông tin, nguồn gốc sản phẩm.
Cũng giống như các trạm dừng nghỉ khác, những mặt hàng kể trên được bày biện tại vị trí khá bắt mắt với lượt tiếp cận khách hàng hàng ngày là rất lớn, liệu rằng các cơ quan chức năng có biết việc này?
Thu phí đi vệ sinh, dịch vụ ăn uống đắt đỏ?
Tại mục 2.2 Thông tư 48 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ” của Bộ Giao thông Vận tải quy định rõ, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm gồm: Các công trình dịch vụ công; Các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ. Trong đó, các công trình dịch vụ công cung cấp các dịch vụ miễn phí bao gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về ATGT; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Như vậy, Theo Thông tư trên, việc sử dụng khu vệ sinh nằm trên tuyến cao tốc này là hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, tất cả các trạm dừng nghỉ trên tuyến Nội Bài – Lào Cai đều công khai đứng ra thu phí. Điển hình như trạm dừng nghỉ Tuấn Tú, mỗi hành khách dừng nghỉ tại đây khi sử dụng dịch vụ vệ sinh đều phải mất 3.000 đồng, kể cả khi hành khách là khách hàng tham gia ăn uống, mua sắm tại trạm này.
Chị Tr, một hành khách từ Hà Nội khi dừng nghỉ tại trạm Tuấn Tú bức xúc: “Tôi đi cũng nhiều cung đường cao tốc, nhưng chưa có tình trạng thu phí đi vệ sinh công khai như tuyến đường này. Các tuyến đường khác họ thường đặt tế nhị bằng một chiếc hòm, trên đó ghi ủng hộ vệ sinh, ai có nhiều thì cho nhiều, ít thì cho ít, không có cũng không sao. Đằng này đứng ra thu công khai như ngoài bến xe, nhếch nhác phản cảm”.
“Bức xúc hơn nữa, ngay kể cả khi ăn uống tại nhà hàng này xong, muốn đi ra khu vệ sinh để rửa tay cũng phải mất tiền”. Chị Tr chia sẻ.
Không dừng lại ở việc thu phí vệ sinh một cách ép buộc, tại trạm dừng nghỉ Tuấn Tú, nhiều hành khách phàn nàn về các mặt hàng ăn uống cũng rất đắt đỏ. Cụ thể, nhiều người cho rằng một gói mỳ tôm thêm hai quả trứng tại Hà Nội đắt nhất cũng chỉ có giá 35.000 đồng, nhưng tại trạm này, bên phía nhà hàng đã thu của khách lên đến giá 50.000 đồng. Hay như bát phở, suất cơm, giá tối thiểu cũng 50.000 đồng/suất.
Mặc dù nhà hàng đã thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai giá từng bát phở, gói mỳ, suất cơm,… việc mua hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của khách. Tuy nhiên, với vị trí đắc địa nằm trên cung đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tương đối dài, khách hàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắn răng sử dụng dịch vụ đắt đỏ trên.
Trước những bất cập về công tác quản lý chất lượng hàng hóa, giá cả và vệ sinh môi trường của các trạm dừng nghỉ ở trên, rất mong các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc xác minh làm rõ nhằm đảm bảo tính minh bạch thị trường hàng hóa, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có).
Tạp chí Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin thêm về vấn đề này.
Tâm An