MOBI 2018 được khảo sát theo 4 tiêu chí: tính sẵn có; tính kịp thời; tính đầy đủ và tính thuận tiện. Về tính sẵn có, kết quả khảo sát MOBI 2018 cho thấy các bộ, cơ quan trung ương ít công khai các tài liệu ngân sách. Trong số 37 bộ, cơ quan trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018, chỉ có 12 cơ quan, tổ chức có công khai ít nhất 1 trong 6 tài liệu ngân sách bắt buộc công khai (chiếm 32,43%).
Có 25 bộ, cơ quan trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67.57%). Trong đó, có 5 đơn vị chỉ có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử mà không có tài liệu ngân sách đính kèm (gồm có Bộ GTVT; Bộ KH&ĐT; Bộ Tư pháp; Bộ KH&CN và Bộ TT&TT).
Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương
Về tính kịp thời, kết quả MOBI 2018 cho thấy, các bộ, cơ quan trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 10 đơn vị có công bố tài liệu về dự toán ngân sách năm 2019, chỉ có duy nhất Bộ Công Thương là đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2018.
Đối với tài liệu về quyết toán ngân sách năm 2017, có 4 trên tổng số 6 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định bao gồm Bộ Nội vụ; Đài Truyền hình Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.
Các tài liệu còn lại gồm báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 không được công khai hoặc công khai muộn hơn so với thời hạn quy định.
Về tính đầy đủ, Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm dự toán thu – chi ngân sách của đơn vị năm 2019 với 12,4/13 điểm (95% số điểm).
Trên thang điểm 100, cơ quan có mức độ công khai minh bạch ngân sách cao nhất là Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt 21,91 điểm. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với số điểm 18,52/100 điểm, Bộ Công Thương ở vị trí thứ 4 với 17,91 điểm.
Đáng chú ý, có 20 cơ quan không có bất kỳ tài liệu ngân sách nào được công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM...
Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương thuộc nhóm đứng đầu trong chi ngân sách có số điểm MOBI 2018 rất thấp hoặc không có điểm nào. Cụ thể, Bộ GTVT là đơn vị có tổng số chi ngân sách nhà nước lớn nhất trong tổng số 37 đơn vị được khảo sát (năm 2019 là 58,56 nghìn tỷ đồng) trong khi điểm MOBI 2018 chỉ đạt 3,7 điểm, xếp thứ 13 trên tổng số 17 đơn vị có điểm MOBI 2018.
Bộ NN&PTNT; Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT lần lượt đứng các vị trí thứ 4, 5 và 6 trên bảng xếp hạng dự toán chi ngân sách năm 2019 nhưng lại không có bất kỳ tài liệu ngân sách nào được công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát.
BTAP và CDI khuyến nghị khuyến nghị các bộ, cơ quan trung ương cần công khai và đảm bảo mức độ sẵn có của các tài liệu ngân sách để có thể tiếp cận các thông tin và tài liệu về ngân sách của các đơn vị đang sử dụng ngân sách.
Hằng Vương(t/h)