Những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua - Hình 1

 (Ảnh minh họa)

 Bãi bỏ một số văn bản QPPL lĩnh vực quốc phòng, tài chính, ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 31/2018/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong lĩnh vực quốc phòng, tài chính, ngân hàng.

Các văn bản bị bãi bỏ gồm:

Quyết định 135/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10/1/1982.

Quyết định số 230/2005/QĐ-TTg ngày 21/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội.

Quyết định số 39/2009/QĐ-TTg ngày 9/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin “đổi 100ha đất lấy 1,39km đường”

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT.

Thời gian qua, trên một số báo, trang tin điện tử có nhiều bài phản ánh việc UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng gần 100 ha đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (dài 1,39 km) tại thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, gây dư luận bức xúc.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng thiếc, wolfram, antimon

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon đến năm 2025, có xét đến năm 2035.

Mục tiêu hướng tới hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon phải bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng tối đa nhu cầu của nền kinh tế.

Quy hoạch phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các đề án thăm dò; mục tiêu trữ lượng cấp 121 và 122 đạt 40.439 tấn thiếc, 42.165 tấn wolfram, 4.756 tấn antimon. Dự kiến đến năm 2025 sản lượng khai thác đạt 3.203 tấn Sn, 5.610 tấn WO3, 819 tấn antimon.

Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho từng địa phương

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo đó, Chính phủ quyết nghị ban hành nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Cụ thể, về nguyên tắc, UBND các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tại địa phương và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu cho giai đoạn 2019 - 2020.

Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Bảo Ngọc