Nhiều chính sách mới về giáo dục sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2021
Nhiều chính sách mới về giáo dục sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2021 

Những khoản được chi cho việc tập huấn chương trình mới giáo dục phổ thông

Thông tư 83 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/11.

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý kinh phí thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.

Nội dung chi tập huấn, bồi dưỡng sẽ bao gồm: Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống quản lý học tập trực tuyến; chi điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng; chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị có liên quan; chi đi công tác để kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng.

Nội dung Thông tư không điều chỉnh đối với việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về sách giáo khoa do các nhà xuất bản thực hiện.

Áp dụng đối với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, địa phương, các cơ sở giáo dục lập dự toán chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương.

Khuyến khích vận dụng các nội dung chi, định mức chi quy định tại Thông tư này để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bằng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu

Thông tư 26 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 2/11 và thay thế Thông tư 19 ban hành năm 2012.

Trong đó, sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Cụ thể, Thông tư nêu rõ: sinh viên có quyền được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu. Sinh viên được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học; được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước.

Ngoài ra, sinh viên được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.

Thông tư cũng quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau: Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.

Đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, do Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 22/11.

Quy chế này quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thi đánh giá năng lực tiếng Việt), bao gồm: mục đích, nguyên tắc; hình thức thi; chứng chỉ; đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở GD&ĐT, các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đông Hòa