Bài 2: Thành phố Hồ Chí Minh - vì sao đạt thấp?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 11.511 tỷ đồng (bằng 14,5%), chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra và thấp hơn so mặt bằng chung cả nước (cả nước 29,4%).
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học & công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế
Những khó khăn, vướng mắc
Theo UBND Thành phố, mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố - được Thủ tướng Chính phủ giao là 79.263 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số vốn này.
Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công đạt thấp, chưa đạt yêu cầu, do việc áp dụng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Trong đó, có 2 vướng mắc lớn nhất hiện nay của đầu tư công đó là quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng, dù đã được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh họp tháo gỡ thường xuyên, nhưng chưa có nhiều chuyển biến.
Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Vinhomes Tân Cảng - lung linh trong bình minh
Cụ thể, liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án, trong năm 2024, thành phố phải giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai 2023 có điều chỉnh cách tính giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng có lợi hơn cho người dân.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại phát sinh, UBND Thành phố đã triển khai xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2023 mới, ban hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và giải ngân kế hoạch vốn, do đó, việc giải ngân chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm so kế hoạch ban đầu.
Cùng với đó là liên quan công tác lựa chọn nhà thầu trong các tháng đầu năm 2024. Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực 1/1/2024; tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2024, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành đầy đủ, làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thời gian thực hiện các bước sau đó.
Trong khi đó, một số dự án có vốn đầu tư phải giải ngân lớn của thành phố gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục và đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ, vì thế, chưa thể giải ngân ngay được số vốn đã bố trí như dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)…
Đối với giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, trong đó có các đối tác phát triển dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thành dự án.
Ngoài ra, trên thực tế, thành phố có một số dự án cấp bách, cần triển khai đầu tư ngay đang trong quá trình thực hiện có gặp vướng mắc do phát sinh thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Việc thực hiện thủ tục này, phải đảm bảo các thời gian theo quy định, chưa đáp ứng được tiến độ và yêu cầu về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Giải ngân vốn đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt kế hoạch (ảnh minh họa)
Mặt khác, tình trạng thiếu đất, cát đắp nền, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án. Nguyên nhân là do quy trình, thủ tục cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp có thời gian dài và quá trình khai thác phát sinh những khó khăn, vướng mắc, khiến cho khối lượng không ổn định, không đảm bảo tính liên tục theo tiến độ dự án.
Đốc thúc tăng tốc giải ngân…
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tỏ ra khá lo lắng về tiến độ giải ngân đầu tư công khá chậm của thành phố hiện nay: Qua 6 tháng, giải ngân của thành phố chỉ đạt 13,8%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 30%.
Trong khi đó, 6 tháng còn lại của năm 2024, thành phố đề ra chỉ tiêu mỗi tháng phải giải ngân bình quân 13%, bằng giải ngân của 6 tháng đầu năm. Đây là thách thức lớn cho thành phố.
Giải ngân vốn đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt kế hoạch (ảnh minh họa)
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, các ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân. Đồng thời, các ban, ngành, địa phương rà soát, nếu dự án nào có thể chuyển giao để quận, huyện làm nhanh hơn, thì đề xuất giao luôn, trên tinh thần thủ tục chuyển giao phải làm nhanh, gọn nhất có thể.
Liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, tại cuộc họp thứ 4 của thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm thành phố và giao ban đầu tư công vừa qua, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị phải ưu tiên giải quyết thủ tục của các dự án đầu tư công.
Các sở, ban, ngành, quận huyện, rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp trình UBND Thành phố, để xin ý kiến HĐND Thành phố điều chỉnh kịp thời.
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% năm 2024
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện:
Cần phải rà soát lại một cách hệ thống, các dự án tồn đọng, vướng mắc chỗ nào để tháo gỡ, khơi thông việc giải ngân, để 6 tháng còn lại của năm 2024 đạt chỉ tiêu đề ra giải ngân khoảng 95% vốn đầu tư công trên địa bàn;
Ưu tiên giải quyết thủ tục của các dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân theo kế hoạch;
Tổ chuyên trách theo dõi và nhắc các sở, ngành và chủ đầu tư về tiến độ thực hiện của các dự án; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để UBND Thành phố xem xét giải quyết, tháo gỡ, hoặc kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền;
Các chủ đầu tư phải rà soát tiến độ giải ngân và tính toán tổng số tiền có thể giải ngân của các dự án để có kế hoạch cụ thể; theo dõi sát để có đề xuất, kiến nghị kịp thời với UBND Thành phố;
Ngoài ra, công tác điều chỉnh quy hoạch cho đầu tư công, cần được ưu tiên, làm theo quy trình rút ngắn; quyết toán, thanh toán cho chủ đầu tư và nhà thầu nếu đủ điều kiện.
Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND Thành phố giao các chủ đầu tư, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, tháo gỡ khó khăn, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án cụ thể: Vành đai 3, cầu đường Nguyễn Khoái, đường Trần Quốc Hoàn, nút giao An Phú…
Trước đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% kế hoạch.
Bên cạnh việc tháo gỡ và triển khai các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai phương án đẩy nhanh tiến độ thi công; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1, đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024; xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo được tiến độ, chất lượng…
Những điểm đến di tích lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh “níu chân” du khách quốc tế
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi:
“Năng lực hấp thụ vốn của thành phố chưa cao. Hiện nay, giải ngân đầu tư công vướng mắc ở thủ tục thực hiện và điều chỉnh quy hoạch. Thành phố đặt mục tiêu, đến quý II, giải ngân khoảng 30%; nhưng đến nay, chỉ đạt được gần một nửa kế hoạch và bằng 1/2 cả nước. Giải ngân đầu tư công không đạt, thì phải phân tích kỹ, rút ra những bài học cụ thể.
Thành phố đã lập các tổ chuyên trách kiểm tra hằng ngày các dự án đầu tư công. Đề nghị các sở, ngành rà soát lại xem - nếu dự án nào mà chủ đầu tư quận, huyện triển khai nhanh hơn, thì đề xuất chuyển giao, hoặc quận, huyện có thể đề xuất. Thủ tục chuyển giao phải được thực hiện nhanh nhất có thể. Các sở ngành, quận, huyện cũng phải rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp trình UBND Thành phố và xin ý kiến HĐND Thành phố”.
Thủy Hương