Từ đầu năm 2018 đến nay, nền kinh tế thu hút 1.918 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt hơn 13,481 tỷ USD, tăng 18,1% về số dự án và 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,584 tỷ USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng qua đạt 19,066 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý, trong 8 tháng qua còn có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng chính con số này đã “chốt” kết quả chung về thu hút vốn nước ngoài 8 tháng năm 2018 là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2%.
Diễn biến tích cực tiếp theo là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2018 ước tính đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, lượng vốn giải ngân vẫn đang trên đà gia tăng qua từng tháng. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng vốn giải ngân là rất quan trọng, thực chất, bởi nó thể hiện lượng vốn nhà đầu tư đã thực hiện.
Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng
Xét về cơ cấu lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới chiếm 42,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là kinh doanh bất động sản chiếm 37,1%... Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Nhật Bản...
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tập trung tận dụng thời cơ để tiếp nhận, làm chủ tình huống nhằm tăng tốc, bắt kịp trào lưu quốc tế; nhất là rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia đã công nghiệp hóa. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là thông qua thu hút đầu tư nước ngoài để tranh thủ vốn, công nghệ tiên tiến và điều này tiếp tục được “gửi gắm” vào một số đối tác hàng đầu, giàu lợi thế về vốn, sức mạnh công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Hoa Kỳ có xu hướng bổ trợ cho nhau, nên rất có tiềm năng cho phát triển hợp tác lâu dài. Qua đó, cũng là cơ hội để tăng cường thu hút vốn đầu tư từ Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam mong muốn tiếp nhận dự án thuộc những lĩnh vực ưu tiên mà Hoa Kỳ có thế mạnh như xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch...
Kết quả khá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng qua cho thấy đà tăng trưởng đang tiếp diễn, khẳng định sức hấp dẫn về sức cạnh tranh và tiềm năng thị trường Việt Nam. Thực tế cho thấy, hiếm có thời gian nào mà chỉ trong 8 tháng Việt Nam đạt được kết quả thu hút đầu tư nước ngoài cao như vậy, bởi trong hầu hết các năm trước (tính đủ 12 tháng) mức vốn thu hút bình quân chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD - vẫn được đánh giá là thành công.
Thời gian tới, một số dự án quy mô lớn thuộc lĩnh vực năng lượng, bất động sản, giao thông... triển khai hứa hẹn kết quả thu hút vốn nước ngoài của cả năm nay sẽ cao hơn nhiều so với con số hơn 24 tỷ USD nói trên.
Một vấn đề đáng quan tâm là, hiện chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đang tập trung rà soát, thanh lọc các dự án đã cấp phép theo hướng đôn đốc chủ dự án thực hiện đúng cam kết về tiến độ kết hợp với việc kiên quyết rút giấy phép đối với những trường hợp chậm triển khai. Hoạt động này đang trở thành thường xuyên, nhằm “gạn đục, khơi trong” và bảo đảm chất lượng môi trường đầu tư, đồng thời phòng tránh sự lãng phí, cũng như dành cơ hội cho nhà đầu tư đến sau nhưng có đủ thực lực.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mỗi địa phương nên chủ động trong việc lập danh mục các dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cần chú ý thỏa đáng đến chất lượng dự án, có chọn lọc kỹ, thay vì chỉ tập trung thu hút vốn vì số lượng đăng ký thuần túy...
Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, không khí khởi nghiệp đang lan tỏa trong ASEAN. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị khu vực; chia sẻ và đón nhận cơ hội lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chủ động phát triển kinh tế số.
Theo nhận định của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn, sức mua liên tục cải thiện. Vì vậy, còn nhiều dư địa cho đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng như dễ dàng kết nối, vận chuyển hàng hóa đến các quốc gia trong vùng, hoặc với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bảo Ngọc (t/h)