Bà Phùng Tiểu My đang trình bày với Phóng viên Thương Hiệu& Công Luận về nội dung vụ kiện
Bà Phùng Tiểu My, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang trình bày với Phóng viên Thương hiệu & Công luận về nội dung vụ kiện.

Đây là vụ kiện “Kinh doanh thương mại- Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam- chi nhánh Thừa Thiên Huế với Công ty TNHH Doanh Ngân (Huế) kéo dài hơn 10 năm, qua nhiều cấp xét xử, tạm hoãn nhiều lần và gần nhất là ngày 29/03/2022 nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Vì sao vậy?

Vướng mắc trước hết là vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất của cá nhân vào Công ty:Trong quá trình kinh doanh, Công ty TNHH Doanh Ngân (CTDN) có nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thông qua 04 Hợp đồng góp vốn số 22 ngày 23/11/2007; số 02 ngày 16/04/2009; số 1253 ngày 03/12/2007; số 1252 ngày 03/12/2007 của 2 cặp vợ chồng ông bà Phùng Tiểu My và Nguyễn Nhật Huy,  ông bà Phùng Uyển Trinh và Vũ Quang Hải. Về vấn đề này, ngày 16/12/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số 880/CV-ĐKKD cho biết: Theo Khoản 1, Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020 qui định, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ khi: Tăng vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. Đồng thời, Điều 47 qui định, thời điểm góp vốn đủ thì Công ty phải cấp giấy chứng nhận thành viên mới; Điều 31 qui định doanh nghiệp phải thay đổi nội dung giấy chứng nhận doanh nghiệp khi có thành viên mới, vốn góp… Nhưng ở đây CTDN không ghi thêm tên thành viên mới; không tăng vốn điều lệ; không thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp; không thay đổi địa vị pháp lý của người góp vốn (phải là thành viên của Công ty). Như vậy Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất nêu trên không hình thành pháp nhân mới, thế mà CTDN lại  mang tài sản này để thế chấp tại Ngân hàng Công Thương Chi nhánh Huế và Ngân hàng chấp nhận chuyện thế chấp này là hoàn toàn sai qui định pháp luật.

Bản án Phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên huỷ án sơ thẩm vì vi phạm thủ tục tố tụng, chưa thu thập đủ chứng cứ
Bản án Phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên huỷ án sơ thẩm vì vi phạm thủ tục tố tụng, chưa thu thập đủ chứng cứ.

Đồng thời, tại công văn số 212/BTNMT-ĐKTKDĐ ngày 18/04/2008 của Bộ Tài nguyên và môi trường đã xác định. “…CTDN …chỉ nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không làm phát sinh pháp nhân sử dụng đất mới nên về mặt pháp lý quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên góp vốn…

Vướng mắc thứ hai: Theo Bản án phúc thẩm số 20/2014/KDTMPT ngày 28/02/2014 của Tòa Phúc thẩm- TAND Tối cao tại Đà Nẵng nhận định.“ Tại các Hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn Ngân hàng chỉ có một bên là Ngân hàng Công thương- Chi nhánh Thừa Thiên Huế và một bên là CTDN…” là không đúng qui định chưa được sự đồng ý của người góp vốn thông qua Hợp đồng thế chấp hoặc ủy quyền cho Công ty thực hiện các thủ tục thế chấp.

Đồng thời “… Quá trình thế chấp tài sản để vay vốn, giữa Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh Thừa Thiên Huế với CTDN tiếp tục định giá lại tài sản để nâng giá trị tài sản từ khoảng 14 tỷ lên khoảng 25 tỷ đồng, sự định giá lại tài sản để tiếp tục vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam- Chi nhánh Thừa Thiên Huế không có ý kiến của người góp vốn.

Thứ ba là, trong 04 người góp vốn thì vợ chồng ông Vũ Quang Hải và bà Phùng Uyển Trinh có địa chỉ 769/32 Phạm Thế Hiển P4 Q8, TP.HCM. Theo công văn số 6271/QLXNK-TMTH của phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Tp.HCM trả lời nội dung yêu cầu của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế thì ông Hải và bà Trinh đã xuất cảnh vào ngày 05/08/2014 và chưa có thông tin nhập cảnh. Vì vậy, theo qui định của pháp luật thì Hội đồng xét xử phải triệu tập ông Hải bà Trinh, nếu triệu tập không có kết quả phải áp dụng biện pháp tìm người vắng mặt nơi cư trú, hoặc tiến hành thủ tục tuyên bố mất tích để giải quyết phần tài sản của họ liên quan đến CTDN.

Công văn của Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết Công ty Doanh Ngân chưa hoàn thành thủ tục góp vốn của các cá nhân
Công văn của Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết Công ty Doanh Ngân chưa hoàn thành thủ tục góp vốn của các cá nhân.
Nói về những sai phạm này, ông Nguyễn Nhật Huy (người được CTDN uỷ quyền tham gia phiên toà) cho biết: CTDN thừa nhận việc ký kết Hợp đồng thế chấp (HĐTC) với Ngân hàng mà không có ủy quyền bằng văn bản của chủ sở hữu quyền sử dụng đất là trái với qui định của pháp luật. Nhưng việc sai trái này còn phải truy cứu trách nhiệm của các bên như là: Phòng Công chứng Nhà nước số 1, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của TP Huế, Ngân Hàng Công thương Huế. Bởi vì mục đích của CTDN là vay được vốn, nên tất cả thủ tục hoàn toàn thực hiện theo hướng dẫn của Ngân Hàng, thậm chí việc soạn thảo hợp đồng và ký hợp đồng là cũng Ngân hàng tự làm, Công ty chỉ làm theo yêu cầu của Ngân Hàng và các cơ quan có thẩm quyền, không hề biết việc thực hiện thủ tục thế chấp HĐTC này là không đúng với qui định của pháp luật.

Vụ án sẽ được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm công khai sắp đến, chúng tôi tin rằng Hội đồng xét xử sẽ xem xét kỹ lưỡng những vướng mắc trên, đảm bảo quyền lợi cho các bên, nhất là những vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất. CTDN có tư cách pháp nhân, vay mượn thì phải trả cho ngân hàng, còn những cá nhân không hề thể hiện về quyền và nghĩa vụ của mình tại 04 Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất với ngân hàng là vô can, không thể bắt người không phải là thành viên của công ty vào gánh nợ thay cho công ty được!

                                                                                                                                                    Trần Minh Tích