Trong những năm qua, thương hiệu Phục Hưng Holdings đã trở thành một trong những tổng thầu xây dựng có uy tín với hàng chục dự án mang tầm cỡ quốc gia. Nhưng trái với chặng đường xây dựng thương hiệu thì hoạt động kinh doanh khi lấn sân sang những dự án bất động sản của Phục Hưng Holdings không hiệu quả.
Vốn chủ sở hữu của công ty sụt giảm trong 06 tháng đầu năm 2022, đáng chú ý, nợ phải trả, nhất là nợ ngắn hạn giai đoạn này lại có xu hướng tăng khiến cho hệ số nợ/vốn của doanh nghiệp diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Liên tiếp là các con số âm dòng tiền kinh doanh, Phục Hưng Holdings đã đọng nhiều tiền vào những khoản nào?
Xác định năm 2022 lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty vẫn là Xây lắp, Bất động sản và tiếp tục phát triển năng lượng, Ban điều hành Phục Hưng Holdings (PHC) đã xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với mức đạt được năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 06 tháng đầu năm 2022 của Phục Hưng Holdings lại không mấy suôn sẻ.
Các con số kinh doanh của Phục Hưng Holdings cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 06 tháng đầu năm 2022 đạt 709 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của doanh nghiệp tuy tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn này lại sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt chưa tới 16 tỷ đồng, giảm tới 57% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong quý II/2022, doanh thu thuần của Phục Hưng Holdings đạt 289 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt gần 10 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những lý do khiến cho lợi nhuận nửa đầu năm 2022 sụt giảm dù doanh thu tăng là chi phí quản lý của công ty trong giai đoạn này có xu hướng tăng mạnh.
Theo giải thích của Phục Hưng Holdings, chi phí quản lý tăng do bộ máy quản lý được cải cách, mở rộng và nâng cao trình độ để sẵn sàng cho nhịp tăng trưởng mới. Việc này dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 của đơn vị đã tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác làm sụt giảm lợi nhuận là việc sụt giảm của doanh thu hoạt động tài chính của công ty, từ mức 42,4 tỷ đồng nửa đầu năm 2021 xuống chỉ còn 2,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022; diễn biến này là do sự ghi nhận doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính trong năm ngoái, trong khi năm nay công ty không có khoản thu nhập này.
Sự sụt giảm lợi nhuận của Phục Hưng Holdings có thể cũng là một trong những nguyên nhân làm đảo chiều xu hướng giá cổ phiếu PHC trên sàn chứng khoán trong một số phiên giao dịch gần đây.
Trước đó, cổ phiếu này từng có giai đoạn tăng giá khá tốt, từ mức khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 06/2022, lên mặt bằng 9.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 08/2022. Sau đó, cổ phiếu này đã có một số phiên điều chỉnh giảm do áp lực bán gia tăng tại một số thời điểm cuối tháng 08/2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 cho thấy, cuối tháng 06/2022, Công ty có gần 787 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng, chỉ giảm xấp xỉ 3% so với đầu năm.
Các khoản phải thu lớn có sự xuất hiện các tên tuổi như: Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (gần 168 tỷ đồng); Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (gần 63 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Đông Đô – BQP (gần 63 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (gần 50 tỷ đồng); CTCP bất động sản tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland (hơn 41 tỷ đồng); Chi nhánh Hà Tây – Công ty Cổ phần Tập Đoàn Nam Cường Hà (hơn 28 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Trung Yên (gần 28 tỷ đồng);...
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của trong kỳ cũng âm gần 106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lại dương gần 31 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 06 tháng đầu năm 2022 âm hơn 144 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Tại Phục Hưng Holdings, tuy công ty có lợi nhuận tốt nhưng hoạt động kinh doanh lại không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm. Điều này có thể khiến tình hình tài chính tại doanh nghiệp gặp nguy hiểm, thanh toán công nợ khả năng gặp khó khăn...
Tỷ lệ nợ cao dần
Ngoài các con số kinh doanh, một trong những điểm đáng chú ý khác trong số liệu tài chính của Phục Hưng Holdings là diễn biến xấu dần đi của cơ cấu tài chính, khi nợ phải trả có diễn biến tăng lên, trong khi vốn chủ sở hữu lại giảm trong nửa đầu năm 2022.
Theo báo cáo tài chính đã soát xét 06 tháng đầu năm 2022 của Phục Hưng Holdings, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngành xây dựng này giảm từ 699 tỷ đồng thời điểm đầu năm, xuống còn 666 tỷ đồng vào giữa năm 2022 (giảm 4,7%). Trong khi đó, xu hướng của quy mô nợ lại diễn biến theo chiều ngược lại, với giá trị nợ phải trả đã tăng từ 1.767 tỷ đồng thời điểm đầu năm, lên mức 1.878 tỷ đồng vào giữa năm 2022 (tăng 6,3%).
Đặc biệt, nợ phải trả tăng chủ yếu do tăng nợ ngắn hạn, từ mức 1.604 tỷ đồng đầu năm lên 1.721 tỷ đồng vào giữa năm (tăng 7,3%). Trong đó, quy mô vay tài chính ngắn hạn của công ty cũng tăng trong giai đoạn này, từ 778 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 898 tỷ đồng vào giữa năm (tăng khoảng 15,4%).
Nợ tăng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm khiến cho tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings đã tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022, từ mức 2,5 lần thời điểm đầu năm lên mức trên 2,8 lần vào thời điểm giữa năm.
Với con số này, tỷ lệ nợ của Phục Hưng Holdings đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số doanh nghiệp ngành xây dựng khác, cụ thể tỷ lệ này của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG) là 2,2 lần, của Công ty cổ phần Fecon (mã cổ phiếu FCN) là 1,3 lần, còn của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) là khoảng 1 lần…
Diễn biến tăng của nợ phải trả - đặc biệt là nợ ngắn hạn - khiến cho quy mô nợ ngắn hạn của Phục Hưng Holdings đang tiến tiệm cận với quy mô tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này. Cụ thể nợ ngắn hạn lên tới 1.720 tỷ đồng, còn tổng tài sản ngắn hạn là 1.869 tỷ đồng.
Với con số này, về lý thuyết doanh nghiệp vẫn đảm bảo đủ tổng giá trị tài sản ngắn hạn để đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với giá trị tài sản ngắn hạn lớn hơn quy mô nợ ngắn hạn không nhiều cũng là thông điệp cảnh báo doanh nghiệp về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Đặc biệt với Phục Hưng Holdings, tài sản ngắn hạn đang bị phụ thuộc khá nhiều ở các khoản phải thu ngắn hạn.
Riêng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này tại thời điểm 30/06/2022 là 1.189 tỷ đồng, trong khi đó, những tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao gần như không đáng kể, cụ thể tiền (và tương đương tiền) chỉ có 28,8 tỷ đồng, còn các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ chưa đến 1,9 tỷ đồng. Yếu tố này cho thấy năng lực thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp hầu như phụ thuộc vào khả năng thu nợ và nếu có bất cứ rủi ro liên quan đến kết quả thu nợ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn của công ty.
Thương hiệu Phục Hưng Holdings vẫn trúng nhiều gói thầu hàng trăm tỷ
Phục Hưng Holdings hiện là một trong 10 nhà thầu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam, công ty khởi đầu từ vai trò một nhà thầu phụ trở thành nhà thầu chính đến tổng thầu xây dựng với hàng trăm dự án tầm cỡ. Trong đại dịch, doanh nghiệp xây dựng như PHC là một trong ngành kinh tế chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid.
Tháng 07 vừa qua, Phục Hưng Holdings trúng gói thầu thi công kết cấu, hoàn thiện thô và cơ điện cho 123 căn thuộc dự án Nova World Hồ Tràm - The Tropicana (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá trị hợp đồng gần 111 tỷ đồng, thời gian thi công là khoảng 9 tháng.
Cùng với đó, Phục Hưng Holding cũng vừa trúng gói thầu kết cấu hoàn thiện thô, hạ tầng kỹ thuật cảnh quan thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Ninh Bình với giá trị khoảng 111 tỷ đồng.
Trong số các dự án trúng thầu năm 2021 và đầu năm 2022, bên cạnh các chủ đầu tư lớn tiếp tục tín nhiệm lựa chọn Phục Hưng Holdings (Ecopark, SSG, MIK, Eurowindow, An Lạc, Tân Á Đại Thành…), công ty cũng đã được một số chủ đầu tư mới như Novaland, Flamingo… lựa chọn làm nhà thầu, tổng thầu.
Mới đây nhất, Phục Hưng Holdings công bố trúng thầu thi công dự án Khu căn hộ Thủy Tiên thuộc Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) tại Hưng Yên giá trị khoảng 320 tỷ đồng. Ký kết hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng Dự án khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với giá trị gần 560 tỷ đồng, tổng thời gian dự kiến thi công gói thầu này là 14 tháng.
Cùng với đó, công ty cũng trúng thầu thi công 81 căn thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hà Nội) trị giá 170 tỷ đồng và dự án Công viên ven kênh Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony trị giá gần 15 tỷ đồng.
Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Phục Hưng Holdings định hướng tiếp tục duy trì vị trí trong top đầu nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam, tập trung các dự án tổng thầu Design&Build (thiết kế và xây dựng), các dự án tham gia đầu tư, các dự án có nguồn vốn nước ngoài.
Với mục tiêu trên, ban lãnh đạo Phục Hưng Holdings cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với các chủ đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu và định hướng đầu tư lâu dài; Ưu tiên chào thầu các dự án Design & Build (thiết kế và thi công), tìm kiếm hợp tác với đối tác tiềm năng trong lĩnh vực hạ tầng, đẩy mạnh chào thầu sang lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp.
Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ và phần mềm vào các khâu của quản lý dự án, quản lý chặt phương án kinh tế, giảm hao hụt vật liệu, rác thải, tiết giảm chi phí quản lý dự án; Chú trọng công tác quản lý tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xây dựng hình ảnh nhằm nâng cao vị thế của công ty và tạo nguồn việc trong tương lai.
Về lĩnh vực năng lượng, ban lãnh đạo công ty cho rằng tiềm năng vẫn còn rất lớn, mang lại nguồn thu ổn định trong dài hạn, do đó doanh nghiệp vẫn đặc biệt chú trọng và phát triển lĩnh vực này trong những năm tiếp theo.
Trong đó, đối với dự án thủy điện Nậm Núa 2, công ty phấn đấu thực hiện triển khai dự án vào quý IV/2022, dự kiến quý III/2024 hoàn thành và vận hành chạy thử và phát điện. Còn dự án điện mặt trời Long Sơn công suất 30MW, doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác thiết kế cơ sở. Cùng với đó, công ty cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm và nhận chuyển nhượng các dự án thủy điện nhỏ đã có thủ tục pháp lý, hiệu quả tốt để triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn tiếp theo.
Thương hiệu & Công luận tiếp tục chuyển đến bạn đọc hành trình xây dựng thương hiệu và những thông tin về hoạt động tài chính, trái phiếu, cũng như các dự án hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings.
Minh An