Cụ thể, sau 05 năm thực hiện Nghị định 68 và Nghị định 66, các địa phương đã khẩn trương phổ biến, tuyên truyền triển khai thực hiện các Nghị định và các văn bản hướng dẫn; nhìn chung đã thực hiện nghiêm công tác quản lý, phát triển CCN theo trình tự, quy định tại các Nghị định. Trong đó, nhiều địa phương đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chất lượng công tác bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt.
Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành Quy chế quản lý CCN theo quy định; cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN. Một số địa phương ban hành quy định Sở Công Thương chủ trì thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư SXKD vào CCN; ban hành, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN; thu hút, lựa chọn các DN có năng lực, kinh nghiệm để giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các doanh nghiệp/nhà đầu tư tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao.
Thông qua hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.
Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các DN, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường;...
Mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận, song ông Nguyễn Văn Thịnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc thực hiện công tác quản lý là phát triển CCN hiện gặp nhiều vướng mắc.
Trong đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến CCN còn thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương.
Một số địa phương không lập quy hoạch phát triển CCN giai đoạn vừa qua nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển CCN.
Về lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (trong đó có phương án phát triển cụm công nghiệp) tại nhiều địa phương còn chậm, vì vậy phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp.
Nhiều cụm CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao.
Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.
Anh Minh