Những “tuyệt chiêu” sau đây sẽ giúp các thí sinh gỡ rối và yên tâm trước thời điểm nộp đơn điều chỉnh nguyện vọng:
Theo dõi sát sao dự báo điểm chuẩn
Sau khi tra cứu điểm thi, thí sinh cần phải có cái nhìn đúng đắn để chuẩn bị thật tốt cho việc điều chỉnh nguyện vọng.
Nếu điểm thi cao hơn dự kiến, thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng theo hướng “nhìn lên” để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường mơ ước, hoặc thay đổi nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Ngược lại, nếu điểm thi của sĩ tử thấp hơn so với điểm sàn hoặc ở mức "lưng chừng", thí sinh bám sát vào năng lực thực tế của bản thân để chọn ngành đúng sở trường, né sở đoản. Sau khi chọn được ngành, thí sinh mới nên chọn trường đào tạo ngành đó với hệ đào tạo và học phí phù hợp.
Việc điều chỉnh nguyện vọng cần theo dõi sát sao mức điểm chuẩn của các trường đại học trên cả nước. Bên cạnh việc chờ thông tin điểm chuẩn từ các trường, thí sinh có thể dự kiến điểm chuẩn bằng cách tham khảo đề thi năm trước.
Tuy nhiên, để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý, thí sinh không thể chỉ dựa vào mức điểm của bản thân so với điểm chuẩn của các ngành và trường. Việc tham khảo thêm thông tin về phương thức, chất lượng đào tạo, đầu ra việc làm của sinh viên của các trường cũng rất cần thiết.
Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên
Thêm một điểm quan trọng mà thí sinh cần lưu ý là sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên. Vì trong đợt 1 xét tuyển NV, hệ thống lọc điểm của Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ xét theo thứ tự từ trên xuống, nếu NV1 bạn đã trúng tuyển thì các NV 2, 3, 4,… còn lại sẽ bị hủy.
Trong các năm qua, có không ít trường hợp các bạn thí sinh bỏ qua lưu ý trên, dẫn đến không trúng tuyển vào trường đại học mình yêu thích mặc dù điểm thi của bạn bằng với điểm trúng tuyển mà trường này công bố.
Tìm hiểu về mức học phí
Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về mức học phí của các ngành và trường mình đang dự định xét tuyển. Nên chọn trường có mức học phí phù hợp với khả năng của gia đình.
Mức học phí hiện nay của các trường đại học đều dựa trên loại hình đào tạo. Theo đó, khoảng 147 trường đại học công lập trên cả nước có mức học phí từ 8,5 triệu đến 11 triệu đồng/năm. Trường đại học công lập tự chủ (23 trường) có học phí khoảng 18 triệu đồng/năm (học phí sẽ tăng thêm từ 4% đến 6% trong những năm kế tiếp).
Ở các chương trình đào tạo theo đề án như chương trình tiên tiến, chất lượng cao của đại học công lập và đại học công lập tự chủ, mức học phí từ 30 triệu đến 70 triệu đồng/năm.
Khoảng 60 trường đại học ngoài công lập trên cả nước có học phí từ 30 triệu đến 80 triệu đồng/năm. Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, mức học phí từ 80 triệu đến 200 triệu đồng/năm và thay đổi theo mỗi năm.
Việc điều chỉnh nguyện vọng chính thức chỉ được thực hiện một lần duy nhất, vì vậy, thí sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhấn nút điều chỉnh.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến từ ngày 22/7 đến 29/7. Phương thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển diễn ra từ ngày 22/7 đến 31/7.
Thí sinh sẽ có 3 ngày (từ 16/7 đến 18/7) để thực hành “thử” điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Hằng Vương