Theo khảo sát, hiện Ngân hàng Đông Á Bank vẫn đang áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất tiết kiệm tại Đông Á Bank, khách hàng phải gửi từ kỳ hạn 13 tháng trở lên với số tiền từ 200 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Wooribank cũng trả mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 7,5%/năm áp dụng cho các gói Tích lũy Won Challenge và Won Goal. Cụ thể, với gói Tích lũy Won Challenge, khách hàng gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 24 tháng hưởng lãi suất 7,5%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm là 7%/năm. Đối với khách hàng lựa chọn gửi tiết kiệm 6 tháng, lãi suất tiết kiệm là 6,5%/năm. Điều kiện áp dụng đó là khách hàng gửi tối thiểu 100.000 đồng/lần và tối đa 5 triệu đồng/tháng.
Đối với gói tiết kiệm Tích lũy Won Goal, ngân hàng này trã lãi suất cao nhất 7,5%/năm dành cho kỳ hạn 3 năm. Kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất cao nhất là 7%/năm. Kỳ hạn 1 năm -dưới 2 năm, lãi suất cao nhất là 6,5%/năm.
Còn tại PVcomBank, lãi suất đặc biệt lên đến 10%/năm áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên, tại kỳ hạn 12-13 tháng.
Tại ngân hàng MSB, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở kỳ hạn 12-13 tháng thông thường chỉ 4%/năm. Tuy nhiên, với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng sẽ là 8,5%/năm.
Tại ACB, lãi suất tiết kiệm cao nhất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng là 5,6%. Điều kiện đưa ra, đó là khoản tiền gửi phải từ 200 tỷ đồng trở lên.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, ngoài gói cho vay đặc biệt, mức lãi suất huy động thông thường chỉ dao động cao nhất trên 5%/năm.
Sacombank là ngân hàng duy nhất còn duy trì mức lãi suất tiền gửi trên 6%/năm dành cho khách hàng cá nhân thông thường. Cụ thể, nhà băng này đang áp dụng mức lãi suất 6,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Ở kỳ hạn 12-24 tháng, mức lãi suất đang niêm yết là 5-5,7%/năm.
Ngoại trừ Sacombank, hầu hết các ngân hàng còn lại đều đã đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm. Nhiều nhà băng còn không duy trì mức lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại sau 4 tháng tạm ngưng
Phiên giao dịch 11/3 chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng. Tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày và được NHNN chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất, xét thầu đơn giá. NHNN chưa công bố kết quả chào thầu tín phiếu.
Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của Nhà điều hành và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND - vốn đang chịu nhiều áp lực và tiến gần mức đỉnh lịch sử.
Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Việc NHNN mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.
Lý giải nguyên nhân khởi động lại kênh phát hành tín phiếu khi đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: "Trong giai đoạn gần đây, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá".
Minh An (t/h)