Khảo sát biểu lãi suất huy động ngày 5/12 cho thấy, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, LPBank, Eximbank, ABBank, MBBank… tiếp tục hạ lãi suất đối với hàng loạt kỳ hạn tiền gửi.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp của Techcombank chỉ trong 1 tuần qua, sau bước giảm nhẹ lãi suất 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên tại Techcombank đang niêm yết từ 4,75-5%/năm tùy nhóm khách hàng; lãi suất tiền gửi kỳ hạn gửi 6 tháng từ 4,55-4,8%/năm.
Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) điều chỉnh đồng loạt lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng xuống còn 4,3%/năm, giảm từ 0,5-0,8%/năm so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên tại LPBank cũng giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,3%/năm. Riêng đối với các khoản tiền gửi mới hoặc tái tục kỳ hạn 13 tháng có số dư tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên sẽ được LPBank áp dụng mức lãi suất huy động lĩnh lãi cuối kỳ là 6,5%/năm, lĩnh lãi hàng tháng là 6,3%/năm và lĩnh lãi đầu kỳ là 6,07%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến tại các kỳ hạn 6 và 12 tháng. Lãi suất tiền gửi trực tuyến tại Eximbank các kỳ hạn này lần lượt là 4,9 và 5,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn khác tại Eximbank giữ nguyên ở mức từ 3,6-3,9%/năm cho tiền gửi từ 1-3 tháng; 5,3%/năm cho 9 tháng; 5,6%/năm cho 15 tháng và 5,7%/năm cho tiền gửi từ 18-36 tháng.
![aaaaaaaaaaaa aaaaaaaaaaaa](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/12/05/photo1687365581707-16873655819271903027041-1701765339.jpg)
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức hơn 5%/năm, giảm mạnh so với mức 8%/năm hồi đầu năm. Về lý thuyết, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi vào ngân hàng cũng sẽ giảm theo, dòng tiền sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư sinh lời khác như bất đông sản, chứng khoán, vàng...
Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định: Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5-5,2%/năm vào cuối năm 2023 và duy trì ở vùng thấp này trong năm 2024. Dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trở đi. Nhưng thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước lại cho thấy tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế trong 9 tháng của năm 2023 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với cuối năm 2022, đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng.
Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phụ trách phân tích cổ phiếu SSI Research, khuyến cáo trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay, có thể nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa các kênh đầu tư để sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, dòng tiền về đâu vẫn còn tùy thuộc khẩu vị đầu tư của mỗi người và các nhà đầu tư cũng cần trang bị những kiến thức tài chính để chủ động trước mọi tình huống và tránh "để trứng vào một giỏ".
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm sâu lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này xuống chỉ còn 4,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng chỉ còn 2,4 và 2,7%/năm, mức thấp kỷ lục của Vietcombank và cả hệ thống ngân hàng.
Cùng xu hướng giảm còn có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank)...
Chính phủ yêu cầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước trong tháng 12 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái thanh tra về việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
“Thời gian qua, Chính phủ, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng... Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. TTCP báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12/2023 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024”, Công văn nêu rõ.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước có Báo cáo kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Qua đó chỉ ra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng dần từ đầu năm 2022) sau một thời gian dài không thay đổi là khó dự đoán, gây bất lợi cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn ổn định. Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm dẫn đến điều hành lãi suất đột ngột, chức năng thanh tra giám sát các cơ quan thanh tra giám sát yếu kém....
Kiểm toán Nhà nước xác định nhiều ngân hàng thương mại như NCB, SCB, GPbank, Baovietbank, DongAbank... không thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo Nghị định 31.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), kinh doanh thua lỗ của NCB chỉ là một phần trong những khó khăn mà nhà băng này đang đối diện, khi mới đây, Kiểm toán Nhà nước công bố Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị này đã có những kiến nghị với Ngân hàng nhà nước về phần nội dung liên quan đến NCB.
“Theo tài liệu NCB cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách; Văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, NCB rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng “0”. Bất ngờ rằng, Kiểm toán nhà nước đánh giá NCB là một trong hai ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro mất an toàn”, Kiểm toán Nhà nước nêu.
Minh An(t/h)