Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng hai môn lựa chọn trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Cách thi này tạo ra nhiều tổ hợp xét tuyển đại học mới, phù hợp với số môn mà học sinh chọn ở bậc THPT.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã điều chỉnh tổ hợp xét tuyển có môn Tin học để tạo ra các cơ hội phát triển mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tin học - môn lần đầu được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, được 15 trường lựa chọn. Cụ thể như sau:

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong áp dụng xét tuyển tổ hợp có môn Tin học và Công nghệ. Cụ thể, trong mùa tuyển sinh 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến triển khai các tổ hợp mới có môn Công nghệ, Tin học gồm: Toán, Vật lý, Công nghệ (A0C); Toán, Vật lý, Tin học (A0T); Toán, Hóa học, Công nghệ (B0C); Toán, Tiếng Anh, Công nghệ (D0C). Đây sẽ là một trong các tổ hợp được sử dụng để xét tuyển vào 35 ngành/chương trình đào tạo như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính và An toàn thông tin...

TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng ĐT Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: Môn Tin học và Công nghệ cùng với các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học,… đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục STEM. Việc đưa các môn này vào tổ hợp xét tuyển là phù hợp với yêu cầu của một số lĩnh vực đào tạo chính của Nhà trường như Công nghệ, Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin.

Trường Đại học Văn Lang (TP. HCM) dự kiến 9 tổ hợp có môn Tin. Cụ thể, môn này được kết hợp với hai trong các môn Toán, Văn, Vẽ năng khiếu, Ngoại ngữ, Tiếng Anh, Sinh, Lý, Hóa, Công nghệ để tạo thàng tổ hợp mới. Các tổ hợp này được dùng để xét vào hầu hết ngành, từ khối Công nghệ - Kỹ thuật đến Thiết kế, Kiến trúc, Truyền thông, Khoa học sức khỏe, Du lịch, Xã hội nhân văn - Ngôn ngữ.

“Việc này nhằm mở rộng lựa chọn cho thí sinh, đáp ứng yêu cầu liên ngành giữa các lĩnh vực. Dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng không còn bắt buộc các trường giới hạn 4 tổ hợp tuyển sinh cho mỗi ngành như trước”, đại diện trường ĐH Văn Lang cho biết.

Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh công bố phương án tuyển sinh đại học dự kiến với nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt và tổ hợp môn đa dạng, tạo cơ hội rộng mở cho thí sinh.

Một trong những điểm nổi bật là việc bổ sung tổ hợp xét tuyển khối C vào danh mục xét tuyển, bao gồm C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C01 (Ngữ văn, Toán học, Vật lý), C02 (Ngữ văn, Toán học, Hóa học), C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử) và C14 (Toán học, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật) cho một số ngành học, giúp mở rộng khả năng lựa chọn cho thí sinh có thế mạnh về các môn khoa học xã hội.

Ngoài ra, để đảm bảo sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, Nhà trường bổ sung các môn Toán học, Anh văn, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật vào một số tổ hợp xét tuyển.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) công bố phương án tuyển sinh năm 2025-2026 với 3 phương thức cụ thể bao gồm Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2025; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Ngoài các tổ hợp xét tuyển giữ ổn định như năm 2024, nhà trường bổ sung thêm một số tổ hợp mới có môn Tin học như Toán – Tiếng Anh – Tin học, Toán – Vật lý – Tin học để phù hợp với chương trình THPT mới của Bộ GD&ĐT.

Danh sách 15 đại học sử dụng tổ hợp có môn Tin như sau:

PV (t/h)