Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho chủ vật nuôi tại địa phương có lợn phải tiêu hủy năm 2019 do bị bệnh tả lợn châu Phi với số tiền trên 208 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh này đã cấp trên 250 tỷ đồng cho phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và cấp trên 350.000 con gà J.Dabaco cho các hộ chăn nuôi để chuyển đổi sản xuất, đảm bảo sinh kế với mức hỗ trợ 80% còn 20% người chăn nuôi đối ứng.
Điều đáng lo ngại, từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương có trên 20 hộ dân thuộc 5 huyện, thành phố có lợn bị bệnh tả lợn châu Phi buộc tiêu hủy 24 con lợn. Tuy nhiên, số hộ dân này đến nay không được hỗ trợ do từ 1/1/2020, Chính phủ chưa ban hành chính sách hỗ trợ mới cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh tả lợn châu Phi.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Ninh Bình cho biết Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019. Vì vậy, số hộ dân có lợn bị bệnh tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay vẫn chưa được hỗ trợ nên còn nhiều hộ dân còn e ngại trong công tác tái đàn.
Việc tái đàn sản xuất hiện nay chủ yếu chỉ được thực hiện ở các cơ sở, trang trại quy mô vừa và lớn, những trang trại vẫn an toàn dịch bệnh từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, quy mô tái đàn chỉ tương đương với quy mô công suất đàn nái sẵn có, việc nhập mới đàn lợn nái rất ít. Đối với các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thì hầu như không dám tái đàn.
Bên cạnh đó, giá lợn giống hiện nay tăng cao (khoảng 2,3-2,7 triệu đồng/con biểu 7kg/con) và thiếu nguồn giống do các công ty, trại giống không bán khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tại Ninh Bình, đàn lợn hiện tại còn trên 258.000 con, tương đương với 62% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Ước tổng đàn lợn hiện tại của tỉnh tăng khoảng 3,36% so với cuối năm 2019.
Hoài Thu