Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau 13 năm hoạt động, bộ phận “Một cửa” của Sở GD&ĐT Ninh Bình luôn được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Lãnh đạo Sở đã có chấn chỉnh, thay đổi kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả cao được đánh giá là một trong mô hình mẫu của khối cơ quan hành chính trong tỉnh.

Việc thực hiện cơ chế “Một cửa” đã tạo chuyển biến căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, như: Giảm phiền hà cho tổ chức, công dân; chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức; Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước… 

Việc giải quyết các hồ sơ đúng quy định, tiết kiệm được thời gian thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách TTHC đặt ra, phù hợp với tình hình thực tế, hợp với lòng dân và được nhân dân ghi nhận.

Việc xây dựng quy trình giải quyết TTHC chính xác theo quy định đã khắc phục tình trạng đùn đẩy công việc, không rõ trách nhiệm như trước đây.

Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, tính đến 12/2020, Sở đã cung cấp trên cổng dịch vụ công trục tuyến của tỉnh và Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh 81 TTHC. Với 77/80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, có 53/80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chia ra 6 lĩnh vực: GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Cơ sở vật chất và thiết bị trường học; Đào tạo với nước ngoài; Giáo dục thường xuyên; Quy chế thi, tuyển sinh.

Kể từ khi chuyển việc giải quyết các TTHC từ Sở GD&ĐT ra Trung  tâm phục vụ hành chính công của tỉnh (từ ngày 12/10/2020), Sở đã giải quyết 240 hồ sơ, trong đó hồ sơ nộp trực tuyến đạt tỷ lệ 67,5%; việc trả kết quả cho công dân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích hàng tháng đạt tỷ lệ từ 55% đến 73% so với trước khi ra Trung tâm.

Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công trong ngành GD&ĐT Ninh Bình đã được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, giảm bớt các TTHC còn rườm rà.

Đặc biệt, các tổ chức công dân chỉ đến một nơi để giao dịch mà không phải đi lại nhiều nơi như trước đây và giải quyết công việc theo đúng thời gian quy định, đúng hẹn tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết công việc. Quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong giải quyết công việc được đảm bảo đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Ninh Bình nói chung, ngành GD&ĐT nói riêng.

Hoài Thu