Dự án bao gồm hai bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT. Toàn bộ quy mô Cảng sau khi hoàn thành bao gồm 17 bến tàu, đây là bến cảng nước sâu có địa thế thuận lợi trong phạm vi cả nước, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, qua đó giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP. HCM.
Ngày 09/02, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam có chuyến làm việc tại dự án. Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 01 có công suất thiết kế lượng hàng qua cảng đạt khoảng 3,7 triệu tấn một năm. Dự án có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả hạng mục quy hoạch như bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh.
Báo cáo trước lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đại diện Trungnam Group cho hay giai đoạn 01 của dự án khởi công vào ngày 25/08/2020, được phân kỳ với 03 tiểu giai đoạn.
Sau gần một năm rưỡi thi công, đến nay chủ đầu tư cho biết đã hoàn thành Bến cảng 1A và cơ bản hoàn thành công tác san lấp bãi hàng, khu phụ trợ phục vụ vận hành khai thác cảng. Hiện chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng để đưa vào khai thác từ đầu quý hai năm nay.
Đối với Bến cảng 1B, chủ đầu tư cũng đang thi công hạng mục cọc khoan nhồi và san lấp khu bãi hàng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023, vượt tiến độ một năm.
Đối với khu phụ trợ của giai đoạn 01, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng đồng bộ các khu nhà chức năng, công trình giao thông để vận hành trong quý 03 năm nay.
Theo Trungnam Group, năm 2021, vượt qua những khó khăn thử thách trong suốt quá trình thi công vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã làm chủ tiến độ và đảm bảo được tiến độ của dự án.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group - cũng chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, khai thác cảng trong năm 2022. Cụ thể, căn cứ tình hình thị trường và đặc thù của khu vực, từ cuối năm 2021, chủ đầu tư đã lập kế hoạch kinh doanh cảng biển, trong đó tập trung vào các nguồn hàng là vật liệu xây dựng và sản phẩm đặc thù của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 1,332 triệu tấn một năm
Ông Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nhiều lĩnh vực trọng điểm từ công nghiệp, kinh tế biển, năng lượng, logistic và các ngành công nghiệp mới. Theo lãnh đạo tỉnh, trong chiến lược phát triển, Ninh Thuận xem dự án cảng Cà Ná là một trong những dự án trọng điểm.
Đại diện Trungnam Group cho biết thêm, việc hoàn thành giai đoạn 01 của dự án trong năm 2022 là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD trong tương lai.
Để hoàn thành các mục tiêu của dự án, nhà đầu tư cũng đã đưa ra một số đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, như nguồn cung cấp vật liệu san lấp, xây dựng.
Trong đó nhu cầu cát san lấp đang thiếu cho Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 01 khoảng 1,5 triệu m3 và gần 10 triệu m3 đá san lấp, xây dựng các loại. Do đó, chủ đầu tư mong muốn Ninh Thuận hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý về quy hoạch, vật liệu xây dựng.
Dịp này, Trungnam Group cũng bày tỏ mong muốn đấu thầu giai đoạn hai của Cảng tổng hợp Cà Ná để thực hiện xây dựng bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 DWT phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.
Đối với các đề xuất của chủ đầu tư, ông Thanh ghi nhận các nhu cầu, đề nghị của Trung Nam và cho biết sẽ giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục làm việc.
Đối với những vấn đề liên quan đến vướng mắc trong thi công dự án, ông Thanh cho hay tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành sớm, Trung Nam cũng đã cam kết, do đó không có lý do gì để chậm. Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đặt vấn đề hai bên cần có kế hoạch, cơ chế vận hành tốt hơn để Trung Nam và các sở, ban, ngành sẽ tháo gỡ nhanh chóng, trình lên các cấp kịp thời.
Hoàng Gia