Ninh Thuận: Tập trung phát triển năng lượng tái tạo - Hình 1

Tiềm năng phát triển năng lượng gió của Ninh Thuận rất lớn

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước với quy mô có thể đạt 17.000MW (năng lượng, khí, gió, mặt trời, tích năng, thủy điện, sinh khối..). Đơn cử như năng lượng gió, tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng 8.000 ha, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s. Về năng lượng mặt trời, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600 đến 2.800 giờ. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình 5,221 kwh/m2, cao hơn mức trung bình cả nước. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có tiềm năng về kinh tế biển với các cảng nước sâu, sản xuất muối, khai thác nuôi trồng thủy, hải sản...

Dựa trên tiềm năng này, Ninh Thuận đã đưa ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo để tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng công nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 dự án điện mặt trời được bổ sung vào Quy hoạch điện lực quốc gia với quy mô công suất đạt 1.938,79 MW, trong đó có 7 dự án (500MW) được khởi công; 4 dự án điện gió được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành đưa vào vận hành 45 tuabin với công suất 109,05MW.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chủ động báo cáo và đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét một số nội dung như: Chủ trương triển khai Dự án tổ hợp điện khí tại Ninh Thuận; dự án thủy điện tích năng Bác Ái; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện; ban hành chính sách điều chỉnh giá điện gió...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ngành điện; hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ phát triển các dự án điện trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình truyền tải, đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, bổ sung quy hoạch; đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch phát triển tổng kho LNG với quy mô cấp quốc gia để cung cấp khí cho khu vực miền Trung và phía Nam. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy hoạch điện gió của tỉnh nhằm khai thác hiệu quả đất đai, kết hợp giữa sản xuất muối với sản xuất điện từ năng lượng gió.

Bảo Ngọc