Tại Hội chợ, gian hàng Du lịch của Ninh Thuận giới thiệu các điểm đến du lịch tiêu biểu, các di sản thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của tỉnh được UNESCO, Quốc gia công nhận như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy, các di tích văn hóa, làng nghề truyền thống của người Chăm và các sản phẩm OCOP,đặc thù của tỉnh như: yến sào, các sản phẩm từ cây nha đam và các dịch vụ du lịch tại Ninh Thuận, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở tiếp cận, giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch, đưa hình ảnh, thông tin về quê hương, con người Ninh Thuận đến với du khách, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài nước.
Ninh Thuận là tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung bộ, nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ; cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350 km về phía Nam, cách Sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km và thành phố Nha Trang khoảng 100 km, cách thành phố Đà Lạt 110 km; Có cảng biển Cà Ná, đây là điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa với các trung tâm du lịch, các đô thị lớn của Việt Nam và thế giới. Diện tích tự nhiên 3.358 km2, dân số năm 2023 trên 600.000 người. Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính (1 thành phố, 6 huyện), trong đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh.
Về điều kiện tự nhiên: Ninh Thuận bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp; Hệ sinh thái rừng thấp khô hạn độc nhất Đông Nam Á; có 2 vườn Quốc gia, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (là 1 trong 9 Di sản thiên nhiên của thế giới); Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh Quốc gia; Vùng biển Ninh Thuận nằm trong 18 vùng nước trồi của thế giới; Khí hậu nhiệt đới tiểu khí hậu Tây Á. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành du lịch: sinh thái, trải nghiệm, khám phá.
Về văn hóa: Ninh Thuận là nơi tập trung cộng đồng người Chăm nhiều nhất cả nước, với nhiều nét văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc, có làng nghề truyền thống làm gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á được UNESCO ghi nhận là 1 trong 15 Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hoá độc đáo.
Về hạ tầng giao thông: Ninh Thuận có đường ven biển dài 105,8 km, là cung đường biển dài và đẹp nhất cả nước, mở ra không gian mới cho phát triển các ngành kinh tế biển và phát triển các đô thị, du lịch ven biển. Tỉnh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối cả hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc, cảng biển, kết nối Ninh Thuận với các trung tâm kinh tế lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên; các kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế. Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt độc đáo nhất Đông Nam Á đang được Trung ương có chủ trương cho khôi phục lại, tạo sức hấp dẫn cho phát triển du lịch, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Về lĩnh vực du lịch: Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ninh Thuận đang phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; định hướng phát triển du lịch theo hướng toàn diện, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, tập trung khai thác lợi thế về cảnh quan hoang sơ, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các sản phẩm đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt có tính cạnh tranh cao.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước; Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.
Tỉnh đang triển khai lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 23/2/2022), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý IV/2024, đây là cơ sở quan trọng để khai thác các giá trị về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 204 cơ sở lưu trú, với trên 4.428 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%. Trong đó, Amanoi Resort nổi bật là một trong những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp hiếm có tại Việt Nam, được đề cử trong Hạng mục Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu tại Châu Á trong khuôn khổ giải thưởng World Travel Awards. Đồng thời, khu nghỉ dưỡng này cũng được chuyên trang du lịch Placetosee bình chọn trong top 10 resort có khung cảnh tuyệt mỹ nhất trên thế giới.
Trong 08 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận đã thu hút 3.070.000 lượt khách (tăng 20,8% so với cùng kỳ, đạt 95,9% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt 77.000 lượt khách (tăng 185,2% so cùng kỳ, đạt 77% so với kế hoạch); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.502 tỷ đồng.
Minh Ngọc- Nguyên Nguyên