THCL Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. Nếu tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP. Nếu không kiểm soát được nợ công - sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế...
Báo cáo tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIV về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của đất nước không ngừng lớn mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định. Uy tín, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, nợ công đang cao, áp lực trả nợ lớn.
Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai (tháng 4/2016) của Bộ Tài chính cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán. Theo tính toán của Công ty CK Bảo Việt (BVSC), áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo Quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.
Việc nợ công ngày càng tăng có nhiều nguyên nhân như việc sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn. Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và DN. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.
Ngoài ra, nợ công tăng cao còn do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của Chính phủ, các khoản Chính phủ đi vay để cho vay lại và các khoản bảo lãnh của Chính phủ... Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm.
Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng. Tổng áp lực gia tăng nợ công này có thể hiểu là mức tối đa tăng ròng nợ công trong năm 2016 theo kế hoạch, đặt trong giả thiết các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh hoàn toàn phát sinh mới và được cộng dồn vào năm trước .
Rõ ràng, tình hình nợ công của Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng dẫn tới những hậu quả nặng nề, trong khi đó, một giải pháp hiệu quả và căn bản về lâu dài để xử lý dứt điểm vấn đề này vẫn chưa thực sự được tìm ra?.
Ngọc Linh