THCL Sáng nay, ngày 20/3, tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật.

Nợ công tăng cao: Do luật hay do thực hiện? - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: "Gần đây nhất vẫn có ý kiến đánh giá nợ công tăng nhanh, áp lực với những khoản nợ đến hạn phải trả lớn, nợ Chính phủ vượt trần…

Luật này có giải quyết được bất cập của thực trạng trên? Từ khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay, đáng ra tình trạng nợ công tăng nhanh phải hạn chế được, nhưng thực tế nợ công vẫn tăng cao, vậy nguyên nhân từ đâu? Do cách thức tổ chức thực hiện hay do bản thân Luật có vấn đề? và nếu có thì ở chỗ nào, cần giải quyết ra sao?".

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn: "Nếu những khoản nợ vay mà đối tượng không trả được thì Chính phủ vẫn phải gánh, như nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản thì có nên đưa vào phạm trù quy định về nợ công?

Hiệu quả sử dụng nợ vay của Việt Nam thế nào khi nhiều nước cũng vay nợ rất lớn nhưng không phải lo lắng gì trong khi nguy cơ vỡ nợ với Việt Nam rất lớn, dù tỷ lệ vẫn khống chế trong tỷ lệ 65% GPD?".

Giải trình các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công tăng nhanh là do mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 không đạt được. Thực tế cả nhiệm kỳ chỉ đạt 5,9%, trong khi mục tiêu hơn 7%, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội.... nên trong thời gian dài bội chi rất cao, chưa kể còn phát hành thêm trái phiếu khoảng 330 ngàn tỷ.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn thời hạn vay rất ngắn, lãi suất cao, có những khoản lãi suất tới 11-13%/năm, nên nghĩa vụ trả nợ cao lên, dồn áp lực trả nợ vào những năm từ 2014 đến 2017.

"Nếu năm vừa qua, GDP đúng dự toán thì nợ công chỉ 60 – 61%, nhưng thực tế nợ công lên trên 64%. Đã bàn về nợ công, phải nhìn tổng thể nền kinh tế. Ta nói mãi nhưng cứ vay thì kiểu gì cũng phình ra. Dự báo thì năm nào cũng sai, GDP năm nào cũng trật, đi xuống thấp. Đơn cử, năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỷ đồng ", ông Dũng nêu thực trạng.

Liên quan đến phạm vi, Luật hiện hành quy định nợ công gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính cho rằng quy định như hiện nay về phạm vi nợ công là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.

Đối với vay nợ của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh là theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy, Bộ Tài chính không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.

Phan Chinh