THCL - Nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các thành viên Chính phủ đã thống nhất phạm vi nợ công sẽ không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước.

Nợ vay của DNNN sẽ không tính vào nợ công - Hình 1

 Ảnh minh họa

Nhiều nhà kinh tế cho rằng cần phải đưa nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nợ công để tính đủ, tính đúng nợ công, bởi trên thực tế, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, cơ cấu nợ công của Việt Nam chỉ gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, tại họp báo Chính phủ chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã thảo luận về cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản sửa đổi, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015.

Nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các thành viên Chính phủ đã thống nhất phạm vi nợ công sẽ không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN. Nếu DNNN không trả nợ được thì thực hiện theo các luật liên quan, kể cả áp dụng Luật Phá sản, để buộc trả nợ vay. 

Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải sửa ngay.

Từng thành viên Chính phủ tiếp tục rà soát, kiểm tra xem Chính phủ, các bộ, ngành còn nợ đọng gì về thể chế, cần cải cách gì về cơ chế chính sách, hướng khắc phục ra sao, còn khó khăn vướng mắc gì cần được tháo gỡ, đặc biệt là trong việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và về cải cách thủ tục hành chính.

Điểm mới trong dự thảo luật quản lý nợ công lần này của Bộ Tài chính là dự thảo đã liệt kê rõ nội dung của từng cấu phần nợ công, điển hình là các khoản nợ Chính phủ, nhằm giải quyết những tồn tại hiện nay liên quan tới sự rõ ràng của các khoản nợ này.

Tuy nhiên, tổng vốn nhà nước trong 800 doanh nghiệp hiện ước tới 1.300.000 tỷ đồng. Do đó, theo các chuyên gia, thực tế nhiều trường hợp, Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo lãnh các khoản doanh nghiệp tự vay. Bởi tác động vỡ nợ gây ảnh hưởng lớn tới việc làm, bất ổn xã hội và uy tín của Việt Nam trên thị trường nợ quốc tế.

Ngọc Linh