Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Bộ Trưởng đánh giá như thế nào về việc quản lý các mặt hàng rượu, nhất là rượu nấu thủ công thời gian qua?
Nhà nước đã xây dựng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là các nghị định về quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường để bảo đảm hiệu quả và chất lượng của công tác quản lý của nhà nước đối với mặt hàng đặc biệt và đặc thù này.
Thực tế, các mặt hàng rượu trên thị trường được phân thành 3 loại. Một là các cơ sở sản xuất rượu dưới hình thức thủ công hoặc công nghiệp, nhưng với mục đích chế biến các loại rượu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Hai là các nhà máy rượu có đăng ký với các nhãn mác, các sản phẩm cụ thể và hình thành các sản phẩm rượu và cuối cùng phục vụ cho nhu cầu thị trường. Ba là các loại rượu người dân tự nấu, tự tiêu thụ không có nhãn mác, không có đăng ký và không chịu bất kỳ một sự quản lý, kinh doanh nào cả.
Đối với 2 loại hình rượu ban đầu, chúng ta đã quản lý tương đối tốt trong thời gian vừa qua. Nhưng riêng loại rượu của người dân tự nấu và tự tiêu thụ không có nhãn mác và không có bất kỳ hình thức quản lý nhãn mác nào là một thực tế tồn tại ở chúng ta. Tập quán trong nấu rượu và tiêu thụ rượu của người dân tại các địa phương được hình thành từ rất lâu đời qua nhiều thế hệ...
Rõ ràng, chúng ta đã có những quy định từ lâu để quản lý rượu tự nấu. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương và người dân, dường như là chưa biết?
Tôi cho rằng, biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất đó là quản lý nhà nước phải tiếp tục xác định rõ tính đặc thù của loại hình sản phẩm này. Cả trong khâu tổ chức sản xuất - tức là tự nấu và khâu tiêu thụ để có được những khuôn khổ pháp lý trong việc điều chỉnh và quản lý. Từ đó, bảo đảm được yêu cầu không chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn những mục tiêu xã hội khác, các mặt hàng rượu cần quản lý vào diện kinh doanh có điều kiện và hạn chế trong kinh doanh.
Cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu biết rõ hơn về tính chất của các loại sản phẩm này.
Phải tiếp tục bàn về công tác tổ chức thực hiện chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý các mặt hàng thực phẩm, nhất là loại rượu tự nấu. Vì trên thực tế, chúng ta thấy hàng loạt luật quan trọng về an toàn thực phẩm, hóa chất..., các nghị định, thông tư hướng dẫn, trong đó kể cả về rượu, vẫn còn khoảng trống - những điều kiện và quy định cụ thể của các loại rượu tự nấu; lúng túng trong công tác quản lý, buông lỏng trong tổ chức thực hiện, kiểm tra về chấp hành pháp luật. Đặc biệt, nó thể hiện rất rõ trong khâu chấp hành pháp luật tại địa phương, vì sự buông lỏng của cơ quan quản lý đã dẫn tới những nguy cơ ngộ độc và mất an toàn trong các loại rượu, thậm chí làm nhiều người chết do uống phải rượu độc, rượu giả.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có những kế hoạch như thế nào để có thể siết chặt các mặt hàng rượu tự nấu, rượu thủ công?
Qua 3 yếu tố nêu trên, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp để tiếp tục tăng cường hiệu quả và kiên quyết loại bỏ các loại rượu độc, rượu giả có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Các cơ quan, đơn vị của Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Y tế, NN&PTNT KH&CN… tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu để đảm bảo quản lý chặt chẽ.
Phải khẳng định năng lực, ý thức chấp hành pháp luật và sự chủ động của địa phương với các cơ quan chức năng tại địa phương - là điều kiện tiên quyết và cần thiết để đảm bảo hậu kiểm mang lại hiệu quả.
Không ngừng nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân, đặc biệt là chấp hành pháp luật, cũng như vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm để những hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu dùng sản phẩm đồ uống rượu đảm bảo an toàn, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông, chúng ta có nên kiến nghị thay đổi mức hình phạt đối với sản xuất, kinh doanh rượu giả hay không?
Cần nghiêm túc kiểm tra chấp hành pháp luật và thực hiện chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Có 2 vấn đề ở đây.
Thứ nhất, thời gian qua, kinh nghiệm sau khi ban hành chỉ thị cho thấy, đã có sự vào cuộc tích cực của lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng của địa phương. Số lượng các vụ việc phát hiện, kiểm và và xác minh làm rõ đi kèm là xử lý và chế tài tăng lên rất nhiều so với lúc trước khi có chỉ thị.
Thứ hai, có những hành vi được quy định cụ thể trong các bộ luật như Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Hóa chất… có đủ điều kiện giúp chúng ta điều chỉnh và có chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vấn đề an toàn về rượu và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, những hình phạt được quy định không còn phù hợp và đủ sức răn đe… Chính vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành để xem xét và nghiên cứu, trên cơ sở đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh và bổ sung vào các điều khoản của các luật cho hoàn thiện và phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt, đối với những hành vi có mức độ vi phạm nghiêm trọng gây ra những hậu quả khôn lường, bất kể hoạt động trong lĩnh vực nào, cũng phải được xem xét và đưa ra những biện pháp xử lý thích đáng, nghiêm khắc hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Thúy (Thực hiện)