THCL Chính thức công bố mua được BigC Việt Nam, Central Group của Thái Lan đang có trong tay mạng lưới bán lẻ rộng khắp Việt Nam...
Như vậy, sau gần 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Central Group ngày càng lộ rõ chiến lược tấn công mạnh mẽ thị trường 90 triệu dân này.
Chính thức công bố mua được BigC Việt Nam, Central Group của Thái Lan đang có trong tay mạng lưới bán lẻ rộng khắp Việt Nam từ thành thị tới nông thôn và có thể giữ thị phần đáng kể ở phân khúc bán lẻ trực tuyến.
Cùng với động thái này, hàng Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng khó chen chân trong các siêu thị này.
Cuối tuần qua, Tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD).
Central Group Việt Nam cho biết, thương vụ với Big C tiếp tục được xây dựng trên cam kết duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng. Từ đó hướng đến sự phát triển trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, đặc biệt chú trọng việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa tại hệ thống siêu thị Big C.
Như vậy, sau gần 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Central Group ngày càng lộ rõ chiến lược tấn công mạnh mẽ thị trường 90 triệu dân này. Được thành lập từ tháng 7 năm 2011, Central Group Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Central Group. Các hoạt động kinh doanh bán lẻ của tập đoàn này đa dạng từ hàng điện máy, thể thao đến thời trang...
Mặc dù đã âm thầm hoạt động trên thị trường nhưng phải đến tháng 1/2015, cái tên Central Group mới gây tiếng vang mạnh mẽ với tuyên bố đã mua lại 49% cổ phần của Tập đoàn Nguyễn Kim - nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam.
Cuối năm 2015, Central Group Việt Nam tiếp tục mua cổ phần của Lan Chi Mart. Được thành lập năm 1995, Lan Chi tiên phong trong lĩnh vực siêu thị hiện đại tại nông thôn, một phân khúc thị trường chưa từng có các đối thủ rất mạnh, đặc biệt các “người chơi” ngoại quốc.
Trước đây, một trong những lợi thế cạnh tranh của bán lẻ nội là giữ được thị trường nông thôn và ngỡ như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đứng ngoài cuộc trên phân khúc này.
Thế nhưng, việc Central Group mua Lan Chi Mart cho thấy tập đoàn này đã nhìn thấy triển vọng phát triển mạnh mẽ của thị trường nông thôn và dường như một khi đã muốn là họ làm được.
Trong lúc đó, một tin tức đáng chú ý khác là việc Central Group có khả năng mua Zalora Việt Nam. Theo tin từ trang công nghệ TechCrunch, cuối tháng Tư vừa qua, Rocket Internet đang tìm người mua Zalora Việt Nam và Thái Lan.
Trang tin này cũng dẫn nguồn tin riêng xác nhận người mua Zalora Việt Nam chính là Central Group của Thái Lan. Theo đó, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan sẽ chi khoảng 10 triệu USD cho Zalora mỗi nước.
Đến nay, cả Zalora và Central Group chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này. Song, nếu đúng như TechCrunch đưa tin thì thương vụ này cùng với BigC vừa công bố cho thấy quyết tâm của Central Group lấn sân thị trường bán lẻ Việt Nam.
Năm ngoái, khi Tập đoàn TCC của Thái Lan công bố mua hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam, nhiều ý kiến lo ngại rằng hàng Việt Nam sẽ khó giữ chỗ đứng trong các siêu thị hiện đại. Đến nay động thái mới nhất của Central Group càng khiến dư luận lo ngại điều này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Tại siêu thị Lan Chi, trước thời điểm bán lại cổ phần cho Central Group, hầu hết hàng hóa của Lan Chi Mart là hàng sản xuất tại Việt Nam với mũi nhọn cạnh tranh là phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng nông thôn.
Đến nay, chỉ vài tháng sau khi chia sẻ cổ phần với “chủ mới” cũng là lúc hàng hóa Thái Lan chiếm nhiều vị trí trên các kệ hàng của siêu thị này, đồng nghĩa với việc đẩy dần hàng Việt Nam ra khỏi siêu thị này.
Tương tự với Lan Chi Mart, tại hệ thống Metro Cash & Carry, sau khi chính thức hoàn tất việc bán lại cho tập đoàn TCC (Thái Lan), hàng Thái Lan cũng xuất hiện khá nhiều trên kệ hàng của siêu thị này.
Rất lo ngại về những động thái ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái Lan trên thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nếu nắm được ngành bán lẻ sẽ kiểm soát một phần quan trọng năng lực sản xuất.
“Khi cả Big C và Metro đều thuộc về tay người Thái, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang bị yếu thế cả về vốn lẫn kinh nghiệm quản trị. Cuộc đấu của một bên là các doanh nghiệp bán lẻ thuộc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và phần còn lại chủ yếu là Saigon Co.op, Vingroup với hệ thống Vinmart sẽ là thách thức cho hàng Việt Nam”, ông Phú nói.
Theo Vneconomy