Nhiều trạm thu phí BOT đang kêu lỗ nặng (Ảnh minh họa)Nhiều trạm thu phí BOT đang kêu lỗ nặng (Ảnh minh họa)

Chính phủ vừa có báo cáo chất vấn gửi Quốc hội, trong đó vấn đề giải quyết các bất cập của những dự án giao thông BOT được đề cập rõ nét.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, 100% các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được rà soát, đề xuất phương án miễn, giảm giá.

Đối với chủ trương giảm giá chung, chưa tăng giá, đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, do đó theo tính toán sẽ có khoảng 09 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022.

“Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...”, báo cáo nêu rõ.

Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, tính toán cụ thể để đề xuất các phương án và hiện nay đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất tăng phí BOT. Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp gặp khó vì Covid - 19.

Về việc rà soát vị trí đặt trạm thu phí, thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ. Đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đến nay đã ổn định.

Song, vẫn còn 4/19 trạm bất cập. Đó là Trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6; Trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100); Trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B); Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan).

“Do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc và sẽ được xem xét, xử lý một cách thận trọng trong thời gian tới”, báo cáo nêu.

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Một số địa phương chưa thực sự thực hiện một cách quyết liệt khi phát sinh những hiện tượng mất an ninh trật tự tại trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các doanh nghiệp dự án phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông phụ trách để ký Quy chế bảo đảm an ninh trật tư; Ủy ban nhân dân các xã khu vực đặt Trạm, lập phương án chống ùn tắc giao thông; Cục Quản lý đường bộ thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải đã nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, chỉ đầu tư dự án áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã chuyển hình thức đầu tư của 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi sang hình thức đầu tư công; đã đàm phán với các nhà đầu tư để dừng 04 dự án đã ký Hợp đồng, mới triển khai. Đối với dự án mới, Bộ GTVT chỉ thực hiện theo hình thức BOT đối với các dự án xây dựng mới và tập trung chủ yếu đường bộ cao tốc.

Báo cáo của Chính phủ cho hay đến nay toàn bộ 100% các dự án đã được kiểm toán, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán đối với các dự án về xử lý chi phí, xử lý trách nhiệm và quyết toán chi phí đầu tư. Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận quyết toán cơ bản được 63/67 dự án, còn 04 Dự án đang xây dựng (La Sơn - Túy Loan; cầu Bình Lợi; Dự án thu  phí không dừng BOO1 và BOO2).

Theo Vietnamnet