Mạng xã hội nội địa đồng loạt ra quân
Hơn một năm trở lại đây, làn sóng làm mạng xã hội “made in Việt Nam” được thổi bùng, đặc biệt sau khi các nhà quản lý bày tỏ tham vọng về mạng xã hội "made in Vietnam" thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook. Mục tiêu là đến năm 2022, số người dùng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần.
Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt nhiều niềm tin to lớn vào ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam, rằng phải tạo ra những mạng xã hội “made in Vietnam”, có khả năng cạnh tranh và thay thế Facebook, Google. Mạng xã hội này sẽ đáp ứng 3 tiêu chí, gồm chia sẻ giá trị với người dùng, cho phép người dùng đóng góp và tuân thủ pháp luật quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Cũng theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động là 455 ứng dụng. Chỉ tính riêng mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép, hàng loạt mạng xã hội được công bố ra mắt, đi vào hoạt động.
Cuộc đua giành thị phần mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng trở lên mạnh mẽ hơn vì nhà đầu tư nào cũng muốn mình nổi bật nhất, ấn tượng nhất với người tiêu dùng. Nhiều mạng xã hội được giới chuyên môn đánh giá cao, được đầu tư với mức giá khá “khủng”. Điển hình, mạng xã hội Hahalolo ra mắt ngày 10/6, mục tiêu đạt 2 tỷ người dùng tại Việt Nam và quốc tế đến năm 2024. Hahalolo thiên về du lịch với giao diện tích hợp mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử.
Ngày 11/6, Ban Tuyên giáo trung ương khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET), là sản phẩm phối hợp giữa Ban Tuyên giáo trung ương và Tập đoàn Viettel.
“VCNET là mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phản bác các thông thông tin sai trái”, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nói. VCNET có các tính năng để người dùng đăng tải các bài viết, hình ảnh cá nhân, cũng như kết bạn, trao đổi với những người dùng khác.
Ngày 22/7, Gapo ra mắt - mạng xã hội này được đầu tư 500 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư G-Capital. Chia sẻ với truyền thông, Ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc và Đồng sáng lập MXH Gapo, cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch bật tính năng chia sẻ doanh thu với người dùng trong tương lai. Bản chất của mạng xã hội đến đích cuối cùng là cân bằng mục đích của doanh nghiệp và cá nhân".
Bên cạnh việc tập trung các tính năng tương tác, đơn vị phát triển Gapo cho biết sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo nội dung hấp dẫn trên nền tảng mà không cần là một KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) hay người nổi tiếng. Nhà phát triển cũng kỳ vọng đạt 20 triệu người dùng vào năm 2021. Đến ngày 15/9, đại diện Gapo tuyên bố mạng xã hội Gapo đã cán mốc 2 triệu người dùng, trong đó có trên 1 triệu người dùng thuộc nhóm tuổi học sinh trung học và sinh viên.
Gần 2 tháng sau, cuộc đua ngày càng trở nên nóng hơn khi thị trường tiếp tục đón nhận thêm một tên tuổi mới là Lotus được VCCorp ra mắt vào ngày 16/9, nhà phát triển tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án này. Lotus được giới thiệu có nhiều tính năng mới, cũng như Facebook đang sử dụng, Lotus được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc tin giả hoặc đưa ra các kênh tin gợi ý phù hợp với thói quen, sở thích và nhu cầu của người sử dụng; hỗ trợ cá nhân hóa nội dung.
Trước đó, ngoài những mạng xã hội trên, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều ứng dụng như Go.vn từng tuyên bố có thể dễ dàng soán ngôi Facebook, nhưng dự án mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tương tự Go.vn, còn nhiều cái tên mạng xã hội cũng ra mắt đình đám nhưng sớm "chết yểu" như Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn...
Lối đi nào cho “hàng Việt”?
Trong bối cảnh người Việt rất "chuộng" mạng xã hội, cơ hội cho các nhà phát triển “đào sâu cuốc bẫm” vào vấn đề này cũng có thể giành thắng lợi lớn, nhưng cũng có thể “về vườn” sớm, bởi có quá nhiều thách thức xung quanh.
Việt Nam đang đấu tranh chiếm thị phần mạng xã hội
Nhiều mạng xã hội mới được ra mắt từ đầu năm đi theo hướng đề cao sự tương tác, kết nối nhận được không ít kỳ vọng nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.
Theo thống kê hơn 60 triệu người Việt đang có tài khoản Facebook, đây có thể trở thành thách thức rất lớn đối với mạng xã hội “made in Việt Nam”, vì khó có thể thay đổi những suy nghĩ, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức con người trong một thời gian dài để đổi sang cái mới.
Nhiều cái tên đang được chú ý như Hahalolo, Gapo… cũng bắt đầu có những sự cố riêng của mình. Hahalolo với cơ sở nền tảng được giới công nghệ đánh giá là còn sơ sài, sao chép tính năng, gặp lỗi khi đăng nhập, đăng ký... nên mục tiêu này khiến nhiều người e ngại về tính khả thi.
Gapo cũng vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký. Việc trang mạng xã hội này không phát triển phiên bản web cũng được coi là một trong những hạn chế.
Ông Trần Anh Dũng - CEO&Founder Công ty cổ phần MOG Việt Nam cho rằng, nếu mạng xã hội của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Facebook thì hầu như không có cửa, trừ khi Chính phủ có một số chính sách để phát triển những "tay chơi bản địa" với ưu đãi riêng để tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong khi đó, nếu chọn thị trường ngách thì chuyên gia này cho rằng, các nhà phát triển Việt Nam vẫn còn cơ hội. Ở nước ngoài, nhiều nơi vẫn tồn tại nhiều mạng xã hội cùng phát triển nhưng cần có ý tưởng mới mẻ và xác định đúng lợi thế cạnh tranh.
Tạp chí Nikkei Review trích nguồn tin từ giới quan sát CNTT nhận xét rằng Luật an ninh mạng được áp dụng từ đầu năm 2019 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội “made in Vietnam”.
Luật này đòi hỏi các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trực tuyến và nội dung trực tuyến tại Việt Nam phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước. Điều này được cho là sẽ đẩy các tập đoàn công nghệ rời thị trường Việt Nam, trong khi các mạng xã hội địa phương được khuyến khích hoạt động.
Từng chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho rằng, về định hướng phát triển mạng xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook.
Theo nhiều ý kiến đánh giá từ các chuyên gia, việc phát triển các nền tảng mạng xã hội Việt cũng chính là tạo dựng các thị trường Việt, trên không gian số giúp cho người dùng Việt được kinh doanh, giao dịch và được bảo vệ tốt hơn, được gần gũi và không có khoảng cách ở ngôn ngữ, thuận lợi trong việc bảo mật thông tin hay khiếu kiện khi cần thiết.
Trang Nguyễn