Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, Gia Lai đã tập trung phát triển diện tích cây sầu riêng theo hướng chuyên canh sâu và mở ra cơ hội lớn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường nước ngoài, từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 29.000 ha cây ăn quả; trong đó, diện tích sầu riêng chiếm khoảng 4.000 ha. Với năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, hiện tại sản lượng sầu riêng của Gia Lai đạt khoảng 25.000 tấn. Dự kiến đến năm 2025, Gia Lai sẽ nâng diện tích sầu riêng lên 5.000 ha.

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

Sầu riêng ở Gia Lai chủ yếu được trồng ở các địa phương như: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Đức Cơ… Đáng chú ý, phần lớn diện tích sầu riêng tại các địa phương này đều đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại cây ăn quả phát triển khá tốt, đặc biệt là cây sầu riêng. Chính vì vậy, người dân nhiều địa phương tại Gia Lai đã có thu nhập cao, thay đổi cuộc sống, mua xe, làm nhà, nuôi con ăn học từ khi tập trung trồng sầu riêng.

Gia đình Bà Hương (Đắc Hà) có 200 cây sầu riêng, trong đó khoảng 130 cây đang cho thu hoạch. Bà Hương cho biết, năm nay sầu riêng trái nhiều, thương lái vào tận vườn đặt mua từ đầu mùa vụ. Với giá như năm nay, gia đình tôi thu vào kha khá. Kỳ này mua xe ô tô cho con trai lớn đi làm Bà Hương chia sẻ.

Cũng nhờ sầu riêng, gia đình ông Y Phul Niê, buôn Jung, xã Ea Yông đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thậm chí xây được nhà khang trang, mua ô tô. Gia đình ông Y Phul có hơn 1,6 ha sầu riêng, cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Y Phul, cây sầu riêng mang lại nguồn thu tốt hơn nhiều cây trồng khác. “Nhờ cây sầu riêng, năm 2016, gia đình xây được nhà. Đến năm 2018, chúng tôi sắm được ô tô, phục vụ việc đi lại”, ông Y Phul Niê nói.

Với hơn 6 sào sầu riêng, gia đình chị Đỗ Thị Thơm (thôn Tân Lập, xã Ea Yông) đã tậu được ô tô từ năm 2018. “Năm đó, nhà tôi thu được 12 tấn sầu riêng, bán với giá 68.000 đồng/kg, giá cao nhất thời điểm đó. Nhà tôi quyết định mua ngay 1 chiếc ô tô trị giá 680 triệu đồng, tương đương với 10 tấn sầu riêng. Thời điểm đó, gia đình tôi rất háo hức, vui mừng”, chị Thơm chia sẻ.

Những ngày này, rất nhiều thương lái đổ về các tỉnh  tìm mua sầu riêng. Họ sẵn sàng trả giá cao, đặt cọc để mua hàng. Riêng các vườn lớn, doanh nghiệp vào tận nơi ký hợp đồng thu mua với những điều khoản chặt chẽ, nhằm có lợi cho cả hai bên.

Ông Đào Duy Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Nguyên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai cho hay, hợp tác xã có 100 héc-ta sầu riêng, được cấp 2 mã số vùng trồng từ năm 2023. Ông Quỳnh ước đạt, sản lượng sầu riêng năm nay của hợp tác xã khoảng 1.000 tấn.

“Rất nhiều thương lái vào vườn để tranh mua sầu riêng. Với kinh nghiệm của tôi, việc cắt giá bán xô có lợi hơn nhiều so với việc chốt giá bán hàng kẹp. Với tình hình như hiện nay, nông dân, thành viên hợp tác xã sẽ có một vụ mùa bội thu”, ông Quỳnh phấn khởi.

Nhờ cây sầu riêng đã thay đổi cuộc sống của người nông dân nhiều địa phương. Ông Lê Đình Hoàng ( xã Phú An - Tiền Giang) cho biết, gia đình ông có 3 công trồng sầu riêng với 66 cây. Sau khi trừ đi hết chi phí mỗi vụ lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ cây sầu riêng mà vợ chồng ông đã cất nhà mới khang trang, nuôi con học đại học ở TPHCM…

Ông Lê Văn Phước Lạc - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hợp tác xã có khoảng 325 hecta trồng sầu riêng. Sầu riêng được xem là loại cây "vua" trong các loại cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Bởi giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại là rất lớn. Nhiều người dân ở đây đã trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng.

Ông Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang - cho biết, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện khoảng 22.000 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy. Vùng đất ở Tiền Giang thích hợp để trồng sầu riêng. Với giá cả hiện nay, doanh thu từ loại cây này đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - cho biết, địa phương xác định nông nghiệp là bệ đỡ của ngành kinh tế. Bên cạnh cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su… những năm qua, sầu riêng đã trở thành loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.

Theo bà Trinh, nhờ cây sầu riêng nông dân địa phương đã làm giàu. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 2 năm, hàng nghìn nông dân trồng sầu riêng đã mua ô tô . Cụ thể, năm 2022, người dân mua khoảng 400 chiếc, năm 2023 khoảng 600 ô tô.

"Năm nay, giá sầu riêng được chốt tại vườn 90.000 đồng/kg. Con số mua ô tô của nông dân sẽ không ngừng tăng lên", bà Trinh nhấn mạnh.

Lê Thanh ( t/h)