Tiền thu được từ bán mủ không đủ chi trả chi phí nhân công. Giờ đây, nhắc đến cao su, chỉ còn là những tiếng thở dài ngao ngán của người nông dân trên chính mảnh đất họ bỏ biết bao mồ hôi công sức và cả niềm kỳ vọng.
Không chỉ riêng Thanh Hóa, cây cao su từng được kỳ vọng là cây chủ lực để người dân thoát nghèo trên nhiều địa phương trong cả nước. Thời kỳ hoàng kim, cây cao su thực sự đã đem lại đời sống khá cho người nông dân trồng nó. Bà con nông dân phấn khởi, các nông trường quốc doanh có thu nhập khấm khá, các xưởng thu mua chế biến mủ hoạt động nhộn nhịp đêm ngày.
Thời điểm ấy, giá mủ 1 kg cao su khô có thể lên tới 80.000 đồng/kg, mỗi ha đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng...
Chính vì thế, rất nhiều người tự tin ở sức hút thu nhập của cây "vàng trắng" mà không tiếc tiền của, công sức để đầu tư mạnh tay trồng hàng chục, hàng trăm ha cao su. Các địa phương cũng xếp cây cao su vào giống cây chủ lực mũi nhọn để phát triển kinh tế.
Các giống mắt ghép từ miền Nam cho chất lượng mủ tốt đổ ra Bắc ồ ạt, thay thế dần những nông trường cao su trồng bằng giống cây thực sinh cho sản lượng thấp.
Ở Thanh Hóa, cây cao su phát triển ở hầu hết các huyện miền núi, bán sơn địa từ các huyện như Yên Định, Thọ Xuân cho đến Như Xuân... Các địa phương cũng tiến hành triển khai cho các lãnh đạo, hộ nông dân đi học hỏi kinh nghiệm ở các nơi làm tốt mô hình. Ai ai cũng kỳ vọng vào loại cây giúp người nông dân đổi đời này.
Tuy nhiên, theo biến động của xu thế chung của thế giới, những năm gần đây, giá mủ cao su giảm sút thê thảm, thậm chí, xuống thấp chạm đáy khiến người dân trồng cao su ở các địa bàn tại tỉnh Thanh Hóa lao đao. Nhiều người đã không còn đủ kiên nhẫn giữ lại hàng nghìn ha cao su để chờ giá lên theo chủ trương của chính quyền, bởi từ lâu sự chờ đợi của họ đã không làm nên cơm cháo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311,1 ha cao su, trong đó hơn 2.900 ha cao su đại điền, gần 11.400 ha cao su tiểu điền. Diện tích này, đã bị giảm 1.260 ha so với 2018. Các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha…
Đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, hiện có 2.754,2 ha cao su, trong đó hơn 16.200 ha chưa đến tuổi thu hoạch, còn lại là diện tích đang trong thời kỳ thu hoạch mủ.
Tuy nhiên, tính từ tháng 6/2017 đến nay, đã có gần 81 ha cao su của đơn vị được chuyển đổi sang trồng mía, dứa và keo. Công ty cũng mới rà soát 230,47 ha khác kém hiệu quả, hiện đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho ý kiến chặt bỏ để trồng cây trồng khác.
Nhiều gia đình từ lâu không còn mặn với việc thu hoạch và chăm sóc cây cao su
Người dân các huyện Thọ Xuân, Như Xuân...đành tự phát - chặt bỏ hàng chục ha cao su trong vài năm gần đây. Trong đó, hàng nghìn hộ dân khác không dám trái chủ trương chặt phá, nhưng cũng bỏ mặc không chăm sóc. Đúng ra, thời điểm này đang mùa cạo mủ cao su, nhưng khắp các rừng cao su ở huyện Như Xuân vẫn đìu hiu, không bóng người.
Ông T.H.T, thôn Vân Bình, xã Cát Vân (Như Xuân, Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông trồng 1 ha cao su từ năm 2011, đúng vào thời điểm giá mủ cao su tăng đỉnh điểm. Cả gia đình rất chuyên tâm vào chăm sóc và đầu tư phân bón cho cây. Đợi đến lúc cao su có thể thu hoạch thì sau 8 năm, gia đình lại không thể tiến hành cạo mủ.
Ông cho biết :“Cây cao su đã đến kỳ thu hoạch, nhưng vì giá mủ quá thấp, có thu hoạch cũng không đủ ngày công nên tôi bỏ liều ở đó. Vì không được chăm bón nên chất lượng cây và mủ cũng không cao. Chúng tôi rất muốn phá để trồng cây khác, nhưng không dám, vì cao su dự án. Năm ngoái, tôi đã thu hoạch lần đầu, chỉ được vài chục cân mủ, trong khi giá chỉ 7.200 đồng/kg mủ tươi. Làm vất vả, mà không lời lãi gì nên thôi”.
Cùng nỗi niềm với ông T., bà L. T. H cho biết, gia đình có 6 ha cao su, cũng trồng 8 năm mà chưa được một đồng thu nhập.
“Chúng tôi cứ hy vọng rằng rồi sẽ có lúc giá mủ cao su lên, bi đát lắm cũng ở mức 16.500 đồng/kg mủ cán là phấn khởi rồi. Nhưng năm nay, giá vẫn quá thấp, không đủ công cạo mủ. Nếu diện tích đất đó, chúng tôi trồng keo, trồng sắn thì đã cho thu nhập tốt. Nhà nước chủ trương không cho phép phá bỏ nên tôi vẫn để đó. Vì tiếc và xót của nên thi thoảng chúng tôi vẫn chăm sóc cho cây phát triển, biết đâu có ngày mủ sẽ lên giá”, bà Hoa nói.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản định hướng cho các địa phương về phát triển cây cao su, cũng như các giải pháp cho thời gian tới.
Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ để diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này để người dân yên tâm duy trì chăm sóc và khai thác mủ.
Riêng với diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch nhưng sinh trưởng kém, phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể để chuyển đổi cây trồng khác trên cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Với ngành nông nghiệp, chuyện nuôi con gì và trồng cây gì - vẫn luôn là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định. Bài học lớn về trồng cây cao su tại các địa phương trên địa bàn xứ Thanh, cũng khiến nhiều người không lo lắng. Công lao chăm bón vun trồng từ 6 - 8 năm ròng rã, những mong được đổi đời thì lại vướng vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội".
Hiện tại, rất nhiều gia đình vẫn mong ngóng có một ngày, cây "vàng trắng" sẽ dần lên giá để nông dân có thể sống được nhờ vào những cánh rừng cao su. Để không còn những câu nói ngậm ngùi khi người nông dân tâm sự với nhau: "Bao giờ cho đến... ngày xưa?"...
Hoài Thu