Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với VRG về những vấn đề sau cổ phần hóa và tình hình sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.
Theo đó, Phó thủ tướng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trong đó có việc VRG đã thực hiện IPO thành công, đúng pháp luật, đúng đề án đã được phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch... Tuy nhiên, trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu VRG khẩn trương xây dựng Báo cáo chuyên đề tổng kết việc triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc.
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty CP (VRG)
Trong đó đánh giá những kết quả đạt được, những mô hình trong tích tụ, tập trung ruộng đất và định hướng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn này; làm rõ các cơ sở của đề xuất chuyển đổi mô hình các doanh nghiệp này thành doanh nghiệp xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa, định hướng đến năm 2025, trong đó gồm các kiến nghị tại báo cáo của VRG theo quy định pháp luật, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đồng thời, làm việc với các địa phương để chuyển giao dứt điểm những diện tích đất đai đã được phê duyệt mà không có nhu cầu sử dụng về các địa phương quản lý; rà soát, hoàn tất thủ tục niêm yết cổ phiếu của VRG tại Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện việc thoái vốn cả lô 5 công ty thủy điện thuộc VRG, xác định những bất cập, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) là một trong 19 doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tổng số vốn 1,5 triệu tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp do Siêu Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, cơ quan này có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập. Siêu Ủy ban cũng có quyền thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Hằng Vương