Bài 1: Trách nhiệm của Prudential đến đâu?
THCL Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới trên 230 tỷ đồng tại một đại lý của Công ty Bảo hiểm (BH) Prudential trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những năm 2009 - 2011, đã được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, hệ lụy của nó, đến nay vẫn chưa hề được khắc phục, trách nhiệm dân sự của Prudential vẫn chưa được làm rõ.
Buông lỏng quản lý
Ngày 17/09/2015, TANDTC đã ra Kháng nghị số 41/2015/KN- HS đối với Bản án hình sự của tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, tại nội dung của bản kháng nghị nêu rõ: Căn cứ Điều 273 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với 17 bị cáo, xét thấy, trong thời gian từ tháng 4/2010 - 9/2011, Bùi Thị Thu Hằng là đại lý BH của Công ty BH Prudential (sau đây gọi cung là Prudential), đã lợi dụng danh nghĩa của công ty, giả mạo là GĐ VP Phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh; sử dụng các phiếu thu giả mang logo và biểu tượng của Công ty Prudential để lừa đảo bán BH có lãi xuất cao cho các khách hàng (thực tế, Prudential không có loại hình này).
Theo quy định của Prudential thì trước khi được cấp HĐ đại lý, người muốn được làm đại lý phải tham gia các khóa học của Prudential và thi tuyển. Tuy nhiên, trong lời khai của Bùi Thị Thu Hằng, thì không hề tham gia khóa học nào do công ty tổ chức, nhưng vẫn được ký HĐ đại lý BH?
Thu Hằng khai, tất cả chữ ký trong các khóa đào tạo của công ty, không phải của Hằng, tuy nhiên, phía cơ quan điều tra đã không cho giám định chữ ký để xác định rõ ràng về lời khai của bị cáo? Đây cũng là yếu tố quan trọng để xác định Prudential có tuân thủ theo quy định hay không? Từ đó, có thể xác định được trách nhiệm của những người liên quan, cũng như trách nhiệm của Prudential đối với Đại lý Bùi Thị Thu Hằng.
Đồng thời, từ tháng 01/2011, Prudential cũng đã nhận được thông tin Bùi Thị Thu Hằng có bán các gói BH không nằm trong các gói BH theo quy định của Prudential và phát hiện 02 bộ hồ sơ BH giả (của khách hàng Lê Thị Bé và Lương Thị Ánh Tuyết). Nhưng, công ty không báo cơ quan chức năng, chỉ gọi điện cho khách hàng, sau đó tiếp tục để Hằng làm đại lý?
Thậm chí, đến thời điểm tháng 03/2011, Prudential vẫn vinh danh đại lý của Bùi Thị Thu Hằng trong Bản vàng của công ty?
Theo quy định tại Điều 84 - Luật Kinh doanh BH thì: “Đại lý BH là tổ chức, cá nhân được DN BH ủy quyền trên cơ sở HĐ đại lý BH để thực hiện hoạt động đại lý BH theo quy định của Luật Kinh doanh BH và các quy định khác của pháp luật liên quan”.
Đại lý BH được xem là một chủ thể đứng ra để thực hiện một giao dịch được ủy quyền, vì vậy, công việc của đại lý BH mang tính chất độc lập, nhưng lại gắn trách nhiệm với phía DN mà đại lý làm ủy quyền.
Điều 88 Luật Kinh doanh BH cũng quy định: “Trong trường hợp đại lý BH vi phạm HĐ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được BH thì DN BH vẫn phải chịu trách nhiệm về HĐ BH do đại lý BH ký kết, đại lý BH có trách nhiệm bồi hoàn cho DN BH các khoản tiền mà DN BH đã bồi thường cho người được BH”.
Chiếu theo Luật Kinh doanh BH có thể thấy, việc thiếu trách nhiệm của Prudential trong việc kiểm tra, giám sát đại lý, quản lý hồ sơ chứng từ đã “tạo điều kiện” cho đối tượng Thu Hằng phạm pháp. Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý trong vụ án này đó là việc Thu Hằng là đại lý chính thức của Prudential, có những HĐ đối tượng này đã sử dụng phiếu thu thật của Prudential phát hành để thu tiền của khách hàng. Như vậy, theo quy luật thông thường, khi đại lý đưa lợi ích về cho công ty “mẹ” thì ngược lại, công ty “mẹ” phải có trách nhiệm với đại lý của mình?
Trách nhiệm của Prudential?
Bản kháng nghị số 41/2015/KN-HS của TANDTC nêu rõ: “Trách nhiệm của công ty BH trong việc kiểm tra, giám sát đại lý, quản lý hồ sơ chứng từ đã tạo điều kiện để Bùi Thị Thu Hằng lừa đảo tài sản của khách hàng. Vì vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định Prudential là nguyên đơn dân sự trong vụ án là không phù hợp. Bởi lẽ, chính sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý của công ty đã dẫn đến việc lừa đảo của Thu Hằng. Hơn nữa Thu Hằng là đại lý chính thức của Prudential, có những HĐ đã sử dụng phiếu thu thật của Prudential phát hành ra để thu tiền của khách hàng. Do đó, cần phải xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Prudential”.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn nhiều thiếu sót khi không triệu tập người đại diện của Prudential để làm rõ quy định về quản lý, quá trình xét duyệt hồ sơ từ đại lý gửi lên như thế nào để thông qua đó thấy được trách nhiệm của Prudential trong quá trình quản lý đại lý BH của mình và trách nhiệm của công ty đối với khách hàng.
Liên quan đến việc Thu Hằng cùng đồng phạm sử dụng phiếu thu của Prudential thì một số khách hàng được Hằng sử dụng phiếu thu thật của Prudential để thu tiền mà họ đóng BH, nhưng tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm không xem xét trách nhiệm của Prudential đối với khách hàng được đại lý Bùi Thị Thu Hằng sử dụng phiếu thu thật này là không đúng.
Theo đó, Kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 347/2014/HSPT ngày (27/06/2014), của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án sơ thẩm số 151/2013/HSST (ngày 17/10/2013) của TAND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên về phần trách nhiệm dân sự, án phí dân sự để điều tra giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Thế Long - Thiên Đức