Theo VASEP, trong khi các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đồng loạt sụt giảm trong tháng 8, Trung Quốc là một trong số ít thị trường có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 8/2021 tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 286 nghìn USD. Và trong nửa đầu tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng 332% so với cùng kỳ năm trước.

Tính luỹ kế 8 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,6 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ. Từ cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thêm vào đó, sự bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 7 đã làm xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Trung Quốc tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam
Trung Quốc tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 chiếm tới 66% tổng giá trị xuất khẩu, tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 19%.

Lý giải về nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của Trung Quốc tăng cao, VASEP cho rằng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ trong nước của Trung Quốc đối với các sản phẩm bảo quản tăng cao. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này đã tăng 71% so với năm 2019, đạt 7.320 tấn. Tuy nhiên, bước sang năm 2021 các chuyên gia dự kiến nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này sẽ giảm, tuy nhiên vẫn sẽ cao hơn năm 2019. Tính nửa đầu năm 2021, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Trung Quốc chỉ đạt 2.218 tấn.

Cũng theo VASEP, hiện có khoảng 23 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Đồng bằng sông Cửu Long tốt hơn, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, xuất khẩu ổn định, việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường này sẽ duy trì đà tăng trưởng cao.

 Thành Nam (theo VASEP)