Việt Nam hiện chưa đánh thuế đồ uống có đường. Trong dự thảo mới nhất về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính giữ quan điểm đồ uống có đường nằm trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và đề xuất áp thuế nước giải khát có đường ở mức 10%.

Theo bà Mai, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát, là một trong những biện pháp "được lợi rất nhiều mặt", đặc biệt là lợi ích với sức khỏe người dân.

Lượng đường trong các loại đồ uống giải khát.
Lượng đường trong các loại đồ uống giải khát.

Bà Mai cho biết, hơn 10 năm trở lại đây, các thông tin đại chúng và các nghiên cứu khoa học đã nêu rất nhiều tác hại liên quan đồ uống có đường. Tuy nhiên việc sử dụng những sản phẩm này đang tăng nhanh ở Việt Nam.

Tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người. Đến năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít. Năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1%. Con số tăng lên 33,9% vào năm 2019, trong đó nam cao hơn nữ. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.

Tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan chế độ ăn uống. Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tại TP.HCM, tỷ lệ này vượt 50%, còn tại Hà Nội vượt 41%.

Ngoài ra, sử dụng thường xuyên đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, gout...; nguy cơ mắc các bệnh răng miệng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương. Tần suất sử dụng đồ uống có đường còn tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong, uống 2 lần/ngày thì nguy cơ tử vong có thể tăng lên đến 21%.

Tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và giúp tăng ngân sách nhà nước. Đến tháng 8/2023, có 117 quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành chính sách thuế nhằm tăng giá đồ uống có đường vì mục tiêu sức khỏe, trong đó 104 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo bà Hạnh, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ làm tăng giá tất cả sản phẩm bị đánh thuế theo cách giống nhau, tránh được gian lận thương mại về giá, ổn định thuế thu vào (không biến động theo giá sản phẩm). Việc tính thuế dựa trên hàm lượng đường sẽ tạo mức chênh lệnh lớn hơn về giá giữa đồ uống có hàm lượng đường khác nhau, khi đó người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm có hàm lượng đường ít hơn, tạo động lực cho doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên sản xuất đồ uống ít đường hơn.

Minh Đức