THCL Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết thì người dân TP. Hải Dương hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm môi trường từ 2 BV lớn. Tình trạng này, nếu không được giải quyết sớm và triệt để thì hàng nghìn người dân sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Nước thải y tế tràn lan

Từ lâu, nhiều người dân TP. Hải Dương lo lắng về việc xử lý nước thải của BVĐK tỉnh và BV Phụ sản tỉnh.

BVĐK tỉnh, lượng nước thải cần phải xử lý 500 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hệ thống xử lý nước thải của BV vẫn chưa đưa vào nghiệm thu và sử dụng. Như vậy, chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng, lượng nước thải là rất lớn - nguy cơ mắc các bệnh dịch truyền nhiễm cho người dân.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT thì, nước thải y tế phải được xử lý và khử trùng trước khi thải ra môi trường. Luật đã quy định rõ. Tuy nhiên, 2 BV này lại không có hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn? Theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện tại, BVĐK tỉnh chỉ xử lý nước thải qua hệ thống bể tự hoại và chảy ra hệ thống thoát nước của thành phố. Hoạt động này, có nguy cơ phát tán dịch bệnh trên diện rộng - gây nguy hại cho sức khỏe của người dân toàn thành phố.

Nhiều người dân sống gần 2 BV này cho biết họ rất bàng hoàng khi được hay thông tin về lượng nước thải y tế từ 2 BV lớn của tỉnh, nhiều năm qua, chỉ được xử lý sơ bộ qua hệ thống bể tự hoại, hằng ngày chảy trực tiếp ra hệ thống thoát nước của thành phố.

Thực tế, nước thải BV gồm 2 loại là nước thải y tế và nước thải sinh hoạt, trong đó, nước thải y tế đáng lo ngại khi phát sinh từ các phòng khám, phẫu thuật, thí nghiệm, xét nghiệm và các khoa trong BV (pha chế thuốc, tẩy khuẩn, lau chùi dụng cụ y tế, các mẫu bệnh phẩm, rửa vết thương bệnh nhân…), chứa vô số loại vi trùng, virus, vi khuẩn, mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch, đờm… Các loại hóa chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả các chất phóng xạ - được xếp vào loại chất thải nguy hại. Việc chỉ xử lý lắng qua bể tự hoại rồi xả trực tiếp ra môi trường, không thể triệt tiêu hết được các loại virus, vi khuẩn, chất nguy hại nên chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

“Tạm thời đành phải như thế… (?!)”

Hệ thống xử lý nước thải cũ của BV đã xây dựng từ lâu, nay không hoạt động được. Năm 2008, BVĐK tỉnh Hải Dương đã ký kết với đơn vị thi công hạng mục công trình “Trạm xử lý nước thải”, tổng trị giá đầu tư khoảng 4 tỷ đồng nhằm khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, mới đây, theo Báo cáo số 259/BC-BV gửi lên UBND tỉnh Hải Dương ngày 23/7/2015 của ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc BVĐK tỉnh Hải Dương thì hiện hạng mục công trình trạm xử lý nước thải vẫn không nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng được. Đồng nghĩa với việc đó là mấy năm qua, một lượng nước thải vô cùng lớn chưa xử lý đúng tiêu chuẩn, mang theo những mầm mống bệnh tật đang hàng ngày âm thầm tuồn vào trong hệ thống thoát nước của thành phố và nỗi lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Huấn, Phó giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Năm 2003, BVĐK tỉnh được xây mới. Năm 2007, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đến năm 2012 đã xây xong, nhưng từ đó đến nay lại chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, trong khi lượng nước thải của BV cần phải xử lý 500 m3/ngày đêm. Điều này khiến chúng tôi đau đầu”.

Giám đốc BV Phụ sản tỉnh, ông Nguyễn Xuân Huy phân bua: “Hiện nay, nước thải từ BV vẫn được xử lý theo cách thu gom từ các bể phốt, thu vào bể chứa nước lớn, sau đó bơm sang hệ thống xử lý nước thải của BVĐK tỉnh. Tạm thời đành phải như thế. Chúng tôi đang xin xây dựng BV mới, khi đó sẽ đầu tư làm hệ thống xử lý nước thải riêng”.

Bùi Tú (Thương hiệu & Công luận)