Theo báo cáo, từ ngày 3-2 đến nay, các ổ bệnh cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh trên đàn vật nuôi của 17 hộ, ở sáu thôn, 4 xã thuộc huyện Nông Cống và huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Nông hộ cùng lực lượng chức năng đã tiêu hủy 24.904 con vịt, ngan, 1.283 con gà; thực thi các biện pháp bao vây, dập dịch.

Được biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp cho huyện Nông Cống 2.000 lít hóa chất bao vây dập dịch và huyện đã triển khai tiêm gần 500 nghìn liều vắc-xin phòng cúm cho đàn gia cầm. Ngoài ra huyện Nông Cống cùng các địa phương cũng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần tại chỗ, đáp ứng nhu cầu chống dịch.

Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống, dập dịch cúm A/H5N6 phát sinh trên đàn gia cầm tại Thanh HóaĐoàn kiểm tra công tác phòng, chống, dập dịch cúm A/H5N6 phát sinh trên đàn gia cầm tại Thanh Hóa

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 12-2, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đàm Xuân Thành đã vào Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng, chống, dập dịch cúm A/H5N6 phát sinh trên đàn gia cầm.

Trong buổi làm việc với các địa phương xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện Nông Cống và Quảng Xương (Thanh Hoá), ông Đàm Xuân Thành yêu cầu việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh phải thực sự quyết liệt, bởi bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người.

Trong bối cảnh dịch nCoV đang diễn tiến phức tạp, Lãnh đạo Cục thú y yêu cầu tỉnh Thanh Hóa rốt ráo thực hiện các biện pháp phòng, chống dập dịch úm gia cầm H5N6. Bằng cách thành lập ngay Ban chỉ đạo và trong cơ cấu thành viên Ban chỉ đạo và nhân lực tham gia phòng, chống cúm A/H5N6 trên gia cầm nhất thiết phải có nhân viên y tế tham gia theo dõi, hướng dẫn thực thi các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh.

Mặt khác, tiếp tục truy xét nguồn lây nhiễm cúm A/H5N6, lưu ý kiểm soát, bảo đảm giống gia cầm cung ứng vào địa bàn phải rõ nguồn gốc, được kiểm dịch, kiểm tra nguồn nước thượng, hạ lưu tiếp giáp với nơi phát sinh ổ dịch, yêu cầu các hộ chăn nuôi trong vùng dịch phải nuôi nhốt gia cầm. Những đàn gia cầm chưa bị nhiễm cúm mà đã được tiêm vắc xin cúm gia cầm đề nghị theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng cần lấy mẫu đua đi xét nghiệm ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, nghiêm cấm các hộ chăn nuôi thuộc vùng dịch cúm gia cầm không được bán đổ, bán tháo đàn gia cầm khi chưa hết thời gian cách ly, theo dõi. Không thực hiện tái đàn khi chưa công bố hết dịch.

Hoài Thu