THCL - Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, vùng khói bụi màu hồng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Trung Quốc "đóng góp" hơn 50% lượng khí độc SO2 ở miền Bắc Việt Nam vào mùa đông và tình trạng này có nguy cơ kéo dài.

Ô nhiễm khói bụi Trung Quốc lan sang Việt Nam - Hình 1

Khói bụi từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể do ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc. Nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện quan trắc tại 9 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía Bắc.

Kết quả cho thấy, nồng độ ô nhiễm không khí vào mùa đông ở miền Bắc có sự tác động rất lớn từ nguồn phát thải của Trung Quốc. Trong nồng độ các chất ô nhiễm không khí ở miền Bắc, ảnh hưởng xuyên biên giới từ Trung Quốc đóng góp khoảng 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% với CO.

Nguyên nhân của hiện tượng này là gió mùa đông bắc hoạt động mạnh vào mùa đông đã đẩy một lượng khí độc hại từ Trung Quốc tràn sang miền Bắc Việt Nam. Vào mùa hè, gió mùa tây nam và đông nam chiếm ưu thế đã ngăn cản sự xâm lấn của không khí ô nhiễm từ phương Bắc. Vào mùa đông có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc.

Sự di chuyển này chủ yếu đi theo hướng đông bắc, hướng có sự hoạt động mạnh mẽ của gió mùa đông bắc. Vùng phía đông và đông nam Trung Quốc được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc nước ta”, kết quả nghiên cứu chỉ ra.

Không chỉ có Việt Nam, giờ đây, sự ô nhiễm không khí của Trung Quốc có vẻ đang được “xuất khẩu” sang một số nước láng giềng.

Ngày 3/1/2017 vừa qua, Hàn Quốc đã phải nâng mức cảnh báo ô nhiễm không khí do lượng khói bụi từ Trung Quốc bắt đầu tràn sang nước này. Thủ đô Seoul cũng đã phải nâng báo động không khí lên mức cao lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015.

Hàng loạt tổ chức nghiên cứu môi trường của nước này cũng đã khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, còn giới truyền thông thì đồng loạt đưa tin về luồng khói bụi ô nhiễm tràn sang từ Trung Quốc.

Tại Đài Loan, cơ quan môi trường của khu vực này cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở đây đã lên mức báo động đỏ khi khói bụi từ Trung Quốc đại lục tràn sang.

Nhật Bản, kể từ tuần trước, hình ảnh Bắc Kinh và các thành phố khác tại Trung Quốc bị bao phủ bởi những màn khói trắng dày đặc đã được phát đi trên các kênh truyền hình của Nhật. Các bản tin thời sự thậm chí còn cho phát những bản đồ cho thấy màn khói ô nhiễm tích tụ ngày càng mạnh khắp Trung Quốc sau đó dần lan qua biển hướng tới Nhật.

Các màu hồng, đỏ và da cam cho thấy khói bụi với các mức độ ô nhiễm cao nhất đang hướng tới hòn đảo Kyushu ở phía Nam của Nhật.

Theo ông Atsushi Shimizu đến từ Viện nghiên cứu môi trường quốc gia của Nhật, trong vài ngày qua, mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực Tây Nhật Bản đã vượt ngưỡng cho phép của chính phủ trong đó loại bụi với kích thước cực nhỏ đang là một vấn đề.

Các loại cát vàng từ sa mạc ở Mông Cổ và Trung Quốc chính là một nguồn phát tán các hạt bụi này. Ngoài ra còn có khí thải từ các ô tô và nhà máy. “Vào thời gian này trong năm chắc chắn không có cát vàng. Do đó chúng chính là các chất độc hại”, ông Shimizu nói tiếp đồng thời cảnh báo rằng “những người mắc các bệnh về hô hấp nên thận trọng”.

Theo các tổ chức nghiên cứu cũng như số liệu từ cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), khói bụi ô nhiễm từ Trung Quốc đã di chuyển nhờ các luồng gió và áp thấp, qua đó ảnh hưởng đến nhiều nước láng giềng xung quanh.

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vùng khói bụi màu hồng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam.

Thông thường, tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc sẽ gia tăng trong mùa đông do các hộ gia đình sử dụng nhiều than để sưởi ấm. Lượng lớn khói bụi từ phía Bắc Trung Quốc bắt đầu theo những luống gió tràn xuống phía nam và các vùng xung quanh. Chỉ số AQI của rất nhiều thành phố phía Nam đồng bằng sông Châu Giang thường vượt mức 300, mức ô nhiễm nặng.

Linh Vững