Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một lá thư chúc mừng đến Recep Tayyip Erdogan nhân dịp tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Dịch vụ báo chí Điện Kremlin dẫn nội dung cho biết: "Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng kết quả bỏ phiếu đã phản ánh đầy đủ quyền lực chính trị lớn của ông Erdogan, hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sách của ông về các thách thức kinh tế và xã hội đối với Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường vị trí chính sách đối ngoại của nước này".
Tổng thống Putin đã tái khẳng định sự sẵn sàng của Nga trong đối thoại cơ bản với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tổng thống Nga đã xác nhận sự sẵn sàng tiếp tục đối thoại về nội dung, kết hợp chặt chẽ với các chương trình song phương, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh rằng điều này chắc chắn đáp ứng được các lợi ích cơ bản của người dân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, phù hợp với nhiệm vụ đảm bảo hòa bình, sự ổn định và an ninh trên lục địa Á-Âu" - thông báo của Điện Kremlin nêu rõ.
Một số nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Venezuela, Trung Quốc, Pakistan, Iran và các nước CIS cũng đã chúc mừng Tổng thống Erdogan trong cuộc bầu cử mới nhất.
Lãnh đạo Iran Hassan Rouhani bày tỏ hy vọng rằng "trong nhiệm kỳ mới, quan hệ hữu nghị giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã chúc mừng Erdogan về việc tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi sẽ chúc mừng Tổng thống Erdogan về cuộc bầu cử tổng thống của ông ta. Tôi cũng sẽ chúc mừng người dân Thổ Nhĩ Kỳ về cử tri đi bầu cao trong cuộc bầu cử" - ông Stoltenberg nói với các phóng viên.
Hãng thông tấn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu thông tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 24/6 tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội với tỷ lệ ủng hộ còn cao hơn cuộc bầu cử hồi năm 2014.
Với 99% số phiếu được kiểm, ông Erdogan giành được gần 52,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Ông Erdogan nói trước đám đông người hâm mộ rằng, nền dân chủ đã chiến thắng và Thổ Nhĩ Kỳ là "hình mẫu cho phần còn lại của thế giới".
"Chúng tôi đã nhận được thông điệp trao gửi qua những hòm phiếu", ông Erdogan phát biểu trên ban công trụ sở của Đảng AK ở Ankara, "Chúng tôi sẽ chiến đấu thậm chí còn nhiều hơn nữa với sức mạnh mà các bạn mang tới cho chúng tôi qua cuộc bầu cử này".
Ông Erdogan vượt xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP) chỉ giành được 31,5%.
Tuy nhiên, các đảng phái đối lập bày tỏ nghi ngờ có uẩn khúc trong khâu kiểm phiếu
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ Sadi Guven cho biết, với hơn 97% số phiếu được kiểm, ông Tayyip Erdogan – đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, giành được số phiếp áp đảo, qua đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 24/6. Số phiếu chưa được kiểm sẽ không làm thay đổi kết quả này.
Nói với những người ủng hộ trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng từ trên ban công trụ sở đảng Công lý và Phát triển (AKP) tại Ankara lúc hơn 3h sáng ngày 25/6, Tổng thống Erdogan cam kết rằng, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động kiên quyết hơn để chống các tổ chức khủng bố.
Ông tuyên bố các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục “giải phóng các vùng đất Syria” để 3,5 triệu người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nhà an toàn.
Trở thành Tổng thống mới có thể khiến ông Erdogan trở thành Tổng thống siêu quyền lực.
Tháng 4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới, theo đó Tổng thống sẽ có quyền lực lớn.
Theo Hiến pháp mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn Thủ tướng, còn Tổng thống được trao thêm những quyền lực mới bao gồm khả năng bổ nhiệm trực tiếp các quan chức cấp cao và quyền can thiệp vào hệ thống luật pháp.
Ông Erdogan sẽ là người đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước theo hiến pháp mới, được thông qua vào năm 2017 với sửa đổi bãi bỏ chức thủ tướng và tổng thống có thêm nhiều quyền lực hơn, gồm quyền trực tiếp bổ nhiệm các quan chức cấp cao và can thiệp vào hệ thống pháp lý.
Theo Hiến pháp mới, có hiệu lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/6, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thổng và Bộ trưởng trong nội các. Tổng thống cũng được bổ nhiệm 12/15 thành viên của Toà Hiến pháp và 6/13 thành viên của Hội đồng thượng thẩm.
Tổng thống có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Quốc hội.
Ngoài ra, Tổng thống có thể điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành.
Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống cũng chỉ có thể bị miễn nhiệm nếu có 3/5 số Nghị sĩ tán thành.
Kể từ khi Hiến pháp mới có hiệu lực, một nhiệm kỳ Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài 5 năm và được tái cử 1 lần. Như vậy, trên lý thuyết, ông Erdogan vẫn có thể tái tranh cử sau nhiệm kỳ Tổng thống mà ông vừa giành được.
Theo Báo Đất Việt