Ông Putin và ông Trump tại thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7
Trong mấy ngày qua, xuất phát từ nhãn quan chính trị khác nhau, chính giới, các chuyên gia phân tích chính trị cũng như dư luận xã hội ở Nga, ở Mỹ và một số nước phương Tây đã đưa ra nhiều nhận định trái chiều về ý nghĩa cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Nga-Mỹ ở Helsinki. Sẽ không ngạc nhiên trước những luồng ý kiến trái chiều đó khi biết rằng quan hệ Mỹ-Nga là hiện tượng chính trị-an ninh phức tạp nhất, mâu thuẫn nhất và khó nhận diện nhất trong quan hệ quốc tế suốt hai thế kỷ XX và XXI, trong đó bao trùm là một số thế lực ở Mỹ và phương Tây theo đuổi toan tính chiến lược tiếp tục làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền sau khi Liên Xô tan rã.
Những kết quả chủ yếu của cuộc gặp D.Trump-V.Putin
Cần xuất phát từ bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, thế giới đứng trước sự bất ổn và bất định chưa từng có, còn chiếc ghế mà tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump được “nhà nước ngầm ở Mỹ” cho là do “kết quả sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016”, để thấy được ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki ngày 16/7/2018.
Trước hết, cần nhận thấy động cơ thôi thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin đi tới cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki là cả hai ông đều xuất phát từ lợi ích then chốt của hai nước trong việc đưa quan hệ Mỹ-Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay và phát triển theo hướng tránh đối đầu và chuyển sang vừa hợp tác vừa cạnh tranh, góp phần giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế có liên quan. Xuất phát từ động cơ đó, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Một là, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dũng cảm vượt qua mọi hành động quyết liệt của các thế lực trong “nhà nước ngầm” ở Mỹ ngăn cản ông đi tới Helsinki gặp Tổng thống Nga V.Putin. Trước khi diễn ra cuộc gặp này, báo chí Mỹ tung tin rằng Donald Trump là “điệp viên ngầm của Nga”, còn nhà chức trách Mỹ công bố danh sách 12 người bị họ coi là “các nhân viên tình báo Nga có hành động can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016”. Từ đó, nhà chức trách Mỹ đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng ngay cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki. Như vậy, chưa cần biết nội dung bàn thảo tại Helsinki thì cuộc gặp D.Trump-V.Putin đã là một thành công lớn, có nghĩa lịch sử.
Hai là, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đã khẳng định bản chất sự khủng hoảng quan hệ Mỹ-Nga hiện nay, như lời của Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là “không xuất phát từ những nguyên nhân khách quan mà là nguyên nhân chủ quan”. Về khách quan, ông Donald Trump đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm 2018 rằng cải thiện quan hệ và hợp tác với Nga chỉ có lợi cho Mỹ. Về nguyên nhân chủ quan, trong cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, quan hệ Mỹ-Nga khủng hoảng đến mức tồi tệ nhất như hiện nay là “do những hành động ngu ngốc và vô lối của các chính quyền Mỹ trước đây” và do “cuộc săn lùng phù thủy”.
Ông Donald Trump đã từng nhiều lần coi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller về “sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ” là “chiến dịch săn lùng phù thủy”. Báo cáo của Cục tình báo trung ương Mỹ, Cục điều tra liên bang và Cục an ninh quốc gia công bố vào tháng 1/2018 cáo buộc Tổng thống Nga V.Putin trực tiếp chỉ đạo chiến dịch làm mất uy tín của ứng cử viên Hillary Clinton và tạo lợi thế cho ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm 2016. Tổng thống Nga V.Putin đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc vô cớ đó.
Do đó, để cải thiện quan hệ Mỹ-Nga, lãnh đạo hai bên cần tiếp xúc và đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo niềm tin chiến lược, từ đó hóa giải bất đồng và xây dựng quan hệ hợp tác trên cơ sở đáp ứng lợi ích của hai nước và góp phần tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố:“Sự khủng hoảng quan hệ Mỹ-Nga đã chấm dứt tại cuộc gặp ở Helsinki.
Ba là, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin có dịp đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và cởi mở để trình bày quan điểm về cách tiếp cận những vấn đề nóng nhất như việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016; Nga sáp nhập Crimea và tình hình Miền Đông Ukraine; cuộc chiến ở Syria; Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran; phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; duy trì sự ổn định chiến lược trên phạm vi toàn cầu; duy trì hiệu lực của hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược; các kế hoạch của Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu; thị trường năng lượng ở châu Âu; cuộc khủng hoảng di cư v.v.
Bốn là, thông qua đối thoại trực tiếp, Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin khẳng định quan điểm rõ ràng về nhiều vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Nga. Thí dụ, trong vấn đề Crimea, Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng Nga sáp nhập Crimea và “không hợp pháp”, còn Tổng thống Nga V.Putin khẳng định quyết định của Nga sáp nhập Crimea phù hợp luật pháp quốc tế và khép lại vấn đề Crimea tại thời điểm này. Để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga V.Putin đề xuất sáng kiến tổ chức trưng cầu dân ý ở miền đông nước này dưới sự giám sát quốc tế. Hai bên nhất trí về một lộ trình hướng tới hòa bình cho cuộc chiến ở Syria v.v.
Năm là, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống V.Putin nhất trí thành lập ban nghiên cứu tư vấn hỗn hợp Nga-Mỹ gồm các chính khách có uy tín, các chuyên gia Mỹ và Nga có trình độ chuyên sâu và chuyên nghiệp để xây dựng cơ sở lý luận khách quan về quan hệ Mỹ-Nga, trên cơ sở đó bàn thảo về việc hóa giải mâu thuẫn và bất đồng giữa hai nước, từ đó tìm kiếm khả năng hợp tác nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần tạo thế ổn định chiến lược quân sự-chính trị trên thế giới.
Sáu là, trên cơ sở nhận thức chung tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Donald Trump chỉ thị cho Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ phối hợp với Hội đồng an ninh quốc gia Nga bàn thảo và đề xuất các hướng và các biện pháp cải thiện quan hệ và hợp tác giữa Mỹ và Nga.
Bảy là, bản thân Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin có dịp hiểu biết về nhau nhiều hơn. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D.Trump được dư luận nhìn nhận là “nhà lãnh đạo thất thường”. Thí dụ, sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Nga V.Putin đã bác bỏ nhiều ý kiến cho rằng ông Donald Trump chỉ là một doanh nhân và khẳng định Donald Trump là một chính khách thực sự.
Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng như Tổng thống Nga V.Putin đều hài lòng và coi đây là bước khởi đầu quan trọng cho một quá trình lâu dài hướng tới cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Những đánh giá ngược chiều từ “hai chiến tuyến”
Phản ứng của một số chính trị gia và các phương tiện truyền thông lớn nhất ở Mỹ và châu Âu về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ là điều có thể dự báo trước được. Họ không quan tâm tới một thực tế không thể làm ngơ là cuộc gặp Trump-Putin phản ánh một nhu cầu bức thiết của thời đại là cần vượt qua trạng thái Chiến tranh lạnh trong quan hệ của hai cường quốc có ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống chính trị thế giới.
Vì vậy, lẽ ra cuộc gặp này nên và cần được hoan nghênh như một dấu hiệu của niềm hy vọng về một thế giới ổn định hơn bởi ở đó Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin đề cập tới những vấn đề liên quan tới vận mênh của thế giới cần có sự phối hợp nỗ lực chung của Mỹ và Nga để giải quyết.
Một số chính khách Mỹ và các nước phương Tây không bận tâm tới việc Mỹ và Nga cần bàn thảo về cách thức tiếp tục duy trì hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung; cần bàn thảo về các kế hoạch của Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên v.v, mà họ chỉ quan tâm tới câu chuyện hoang đường do họ dàn dựng nên là “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ” và chuyện “Nga sáp nhập phi pháp bán đảo Crimea”.
Trên thực tế, điều mà họ lo ngại nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ là nước Nga sẽ không còn bị cô lập. Nói rộng hơn, một số chính khách ở Mỹ và phương Tây không chấp nhận một nước Nga có chủ quyền, phát triển ổn định và được đối xử bình đẳng như một thành viên của cộng đồng quốc tế.
Từ phía Mỹ, sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cuộc đối thoại với Tổng thống Nga V.Putin là “sâu sắc và hữu ích cho Nga, cho Mỹ và toàn thế giới” và kết quả cuộc gặp này tạo ra sự thay đổi có tính bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Nga. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đánh giá kết quả cuộc gặp Trump-Putin là nhằm tìm kiếm cách thức để phát triển quan hệ hợp tác Mỹ-Nga bởi hai nước đều có chung nhiều lợi ích. Do đó Mỹ và Nga cần phối hợp để hóa giải mâu thuẫn và bất đồng trong nhiều vấn đề khác nhau như cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria và tình hình bất ổn ở Trung Đông.
Trong khi đó một số chính khách và dư luận Mỹ cũng như phương Tây đánh giá rất tiêu cực về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Hãng thông tấn Reuters đăng bài viết với tiêu đề “Trump phản bội nước Mỹ” với trích dẫn lời của thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Chuck Schumer nói rằng Trump "đã đưa nước Mỹ đầu hàng Nga và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ và các đồng minh”. Hãng thông tấn Mỹ CNN, báo Mỹ Washington Post và New Yorker đăng tải các bài viết tập hợp ý kiến của nhiều chính khách Mỹ phản đối kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ và gọi ông Donald Trump là “kẻ phản bội nước Mỹ”. Trong vấn đề “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ”, báo Mỹ Huffington Post và New York Times lưu ý rằng “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đứng về phía Nga”. Thậm chí cựu Giám đốc CIA John Brennan còn cáo buộc Donald Trump về tội “phản bội nước Mỹ”. Nhận định về những ý kiến trái chiều này,Tổng thống Mỹ D.Trump viết trên trang Twitter của ông: “Một số người ở Mỹ chọn lối gây chiến tranh (với Nga) hơn là thừa nhận thực tế Trump đã thiết lập quan hệ tốt với Nga”.
Từ phía Nga, lãnh đạo và chính giới đánh giá rất cao và thống nhất về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Tổng thống Nga V.Putin cho biết, ông không ngờ cuộc gặp lại diễn ra theo một kịch bản khác với dự kiện với kết quả tốt đẹp và hữu ích. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận định, kết quả cuộc gặp Trump-Putin “trên cả tuyệt vời”. Còn Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga Leonid Sluski đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ là “sự kiện lịch sử” với kết quả vượt quá sự mong đợi ./.
Rõ ràng, cuộc gặp D.Trump-V.Putin đã tạo ra bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Mỹ-Nga và để hướng tới quan hệ hợp tác vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình và ổn định trên thế giới, sắp tới hai nước còn phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp trước sự chống phá của các lực lượng đối lập./.
Theo VietTimes