Năm nay, Nhân dân chờ đón tinh thần mới, chủ trương mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền tải qua bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh VGP
“Đón nhận thông điệp với tư cách một công dân, tôi thực sự vui và phấn khởi vì đã nhận thấy nhiều tín hiệu đổi mới quyết liệt về tư duy được nêu trong bài viết này”, ông Vũ Mão chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.
Ông Vũ Mão mở đầu câu chuyện: Theo thông lệ thế giới, mỗi khi bước vào năm mới, người lãnh đạo mỗi quốc gia thường có thông điệp gửi tới Nhân dân và công chúng chờ đợi nội dung thông điệp có những gì mới.
Theo cá nhân ông, toát lên từ bài viết của Thủ tướng trước hết là tinh thần đổi mới quyết liệt. Chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986, đến nay đã gần 30 năm. Năm 2014 là năm thực hiện Hiến pháp mới vừa được Quốc hội thông qua với nhiều giá trị tiến bộ, cũng là năm bản lề để chuẩn bị hướng tới Đại hội XII của Đảng vào năm 2016. Khi đó chúng ta buộc phải trả lời câu hỏi: Cần tiếp tục thực hiện đường lối Đổi mới như thế nào?
Đại hội VI, Đại hội hình thành đường lối Đổi mới đã diễn ra với tinh thần Đổi mới quyết liệt, nay tôi cũng cảm nhận được tinh thần ấy qua nội dung bài viết đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Mão nói.
Ông Vũ Mão nói thêm, đổi mới thể chế, tạo động lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững không chỉ là tình cảm, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người cộng sản, mà còn là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, là “áp lực” của nhân dân, của xã hội, của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt trong bối cảnh thế giới phát triển không ngừng, chỉ cần ta “đi chậm hơn bạn” là ta sẽ bị tụt hậu. Chính vì vậy, đổi mới để phát triển bền vững không chỉ là đòi hỏi chính đáng của Nhân dân mà còn là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.
Thực tế thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực để thực hiện đổi mới, tuy nhiên phải đến bài viết này tư duy về đổi mới mới được trình bày rõ ràng, mạch lạc. Đó cũng là điều Nhân dân, cộng đồng trong và ngoài nước mong đợi.
Dân chủ và phản biện
Bên cạnh đó, trong bài viết này, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “Đổi mới thể chế” phải gắn liền với việc “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” và “…phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ”.
Ấn tượng với quan điểm trên, ông Vũ Mão cho rằng: Để hiện thực hóa chủ trương này, cần phải sớm hoàn thiện cơ chế để phát huy dân chủ. Mà cụ thể hơn Nhà nước cần phải có cơ chế để thúc đẩy phản biện xã hội, tập hợp trí tuệ của toàn dân chung sức, chung lòng xây dựng đất nước.
Theo đó, cần có cơ chế phản biện rõ ràng đối với cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp). Thực chất, diễn đàn phản biện xã hội lớn nhất hiện nay là diễn đàn Quốc hội. Kỳ họp Quốc hội là nơi tập trung trí tuệ của cả đất nước, là diễn đàn rộng mở nhất, sâu sắc nhất… nên trước hết cần phải hoàn thiện cơ chế để Quốc hội thực hiện tốt phản biện xã hội, trên cơ sở đó xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội đối với Quốc hội, Nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế phản biện của các tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đoàn thể; báo chí để tạo không khí tranh luận dân chủ, qua đó tìm ra những giải pháp tốt nhất để xây dựng đất nước.
Tâm đắc với “Nhà nước kiến tạo phát triển”
Ông Vũ Mão nhận xét: Nhiều năm qua, các bộ, ngành vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa quản lý doanh nghiệp; quản lý ngân hàng thương mại,…
Thực tế cho thấy, Nhà nước không nên làm thay và cũng không thể làm thay dân, làm thay doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch để các chủ thể hoạt động, phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Tâm đắc với thông điệp “Nhà nước kiến tạo phát triển”, ông Vũ Mão đề nghị: Chủ trương này cần sớm được hiện thực hóa ngay trong năm 2014, để tạo nền tảng cho những năm tiếp theo. Thông điệp đã nêu rõ rồi, vấn đề phải sớm có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện lộ trình kiến tạo phát triển của Nhà nước trong thời gian tới.
Tin vào lớp trẻ, cần tạo cơ hội cho lớp trẻ
Nguyên là người đứng đầu tổ chức Đoàn, ông Vũ Mão rất tâm đắc với tinh thần tin tưởng, trân trọng lớp trẻ nêu trong bài viết “Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế”.
Ông Vũ Mão cho rằng, các cơ quan hữu trách cần có chương trình cụ thể, để hiện thực hóa chủ trương này trên nguyên tắc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để lớp trẻ được thể hiện, được phát huy năng lực của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung.
Ngoài ra, trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, thể hiện quyết tâm và bản lĩnh chính trị đã được hun đúc, thử thách qua nhiều thời kỳ gian khó để “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Nếu nhìn trong một chu kỳ phát triển 30 năm, từ năm 1945 đến 1975 đất nước ta đi từ gian khổ đến chiến thắng huy hoàng, ông Vũ Mão hy vọng kết lại chu kỳ 30 năm từ khi khởi sự công cuộc đổi mới (1986) đến 2016 sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ được nâng lên tầm cao mới, và trong năm bản lề - Giáp Ngọ 2014 này, đất nước sẽ có những chuyển biến nhanh, quyết liệt.
Theo Chinhphu.vn