Chủ động triển khai nhiều giải pháp
Theo số liệu tính toán, trong khung giờ cao điểm từ 12h00-15h00 và từ 21h00-24h00 các ngày trong tháng 5,6,7 năm 2024, dự kiến công suất cực đại toàn tỉnh Hà Nam sẽ đạt 712 MW, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2023. Điều này đặt ra những khó khăn trong việc đảm bảo cấp điện vào khung giờ cao điểm trong những ngày nắng nóng cực đoan kéo dài.
Trước tình hình đó, Công ty đã thành lập tiểu Ban chỉ đạo và tổ giúp việc đảm bảo cung ứng điện do Giám đốc Công ty làm trưởng tiểu Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các phòng, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm tăng cường cung cấp điện ổn định cho hơn 365.000 khách hàng như:
Ngay từ cuối năm 2023, Công ty đã chủ động chuẩn bị cho công tác cấp điện mùa khô năm 2024 trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn lưới điện (đã hoàn thành đóng điện trước 31/3/2024).
Trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành, Công ty triển khai sửa chữa, bảo trì, xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện. Đặc biệt lưu ý các trạm biến áp phân phối, đường dây quá tải hoặc có nguy cơ đầy tải để có giải pháp nâng công suất, san tải. Sử dụng camera nhiệt kiểm tra các vị trí mối nối, tiếp xúc của thiết bị và đường dây… đến thời điểm này, lưới và các thiết bị đã đảm bảo sẵn sàng cấp điện mùa nắng nóng.
Công ty đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trong ngày 14/4/2024.
Công tác quản lý hành lang tuyến dây luôn được các đơn vị trong Công ty quan tâm thường xuyên rà soát phát quang hành lang đặc biệt trước mùa mưa bão. Công ty đã phối hợp với Đài PTTH tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tuyên truyền về đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, ngăn ngừa các sự cố lưới điện, an toàn sử đụng điện trong dân.
Công ty đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hà Nam lập phương án đảm bảo cung ứng điện và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Công ty giao cho các Đơn vị quản lý vận hành thường xuyên kiểm tra ngày, đêm lưới điện (kiểm tra ngày 1 lần/1 tháng; kiểm tra đêm 1 lần/3 tháng). Ngoài ra, vào các thời điểm đặc biệt như trước và sau mưa bão (giông, lốc), nắng nóng cực đoan các đơn vị quản lý vận hành đều thực hiện kiểm tra tổng thể để phát hiện, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết.
Để thực hiện công tác tuyên truyền vận động khách hàng tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) đạt hiệu quả, PC Hà Nam thực hiện lập kế hoạch triển khai DR năm 2024 như: Rà soát lại danh sách các khách hàng thuộc đối tượng DR đã thực hiện ký kết thỏa thuận điều chỉnh phụ tải DR; Thực hiện làm việc, gia hạn và ký kết thỏa thuận DR với các khách hàng phát sinh mới, hết hạn DR trong năm 2023; Rà soát hệ thống đo xa các khách hàng thuộc đối tượng DR, kiểm tra biểu đồ phụ tải từng điểm đo trên hệ thống đo xa.
Lãnh đạo Công ty đã trực tiếp làm việc với khách hàng sản xuất kinh doanh lớn và giao cho các Điện lực trực thuộc chủ động lập kế hoạch bố trí lãnh đạo làm việc trực tiếp với từng khách hàng còn lại để trao đổi, tư vấn hỗ trợ, tuyên truyền kế hoạch cung cấp điện năm 2024; các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích tất cả các khách hàng ký các văn bản thỏa thuận: Đăng ký công suất, điện năng sử dụng của 12 tháng năm 2024 sát với tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng; dịch chuyển thời gian sản xuất, tránh các tháng cao điểm (mùa khô tháng 5 - 7), đặc biệt là các khung giờ cao điểm của hệ thống điện miền Bắc (từ 12h00 -15h00; 21h00 - 24h00 ) các tháng này; tham gia các sự kiện DR tự nguyện phi thương mại nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chia sẻ của khách hàng hưởng ứng tham gia cùng ngành điện.
Ngoài ra, PC Hà Nam còn tuyên truyền qua các hình thức khác như lồng ghép trong hội nghị tri ân khách hàng, hội nghị khách hàng DR do Tổng công ty tổ chức, báo, đài Trung ương và địa phương…
Năm 2024, PC Hà Nam có 235 khách hàng là đối tượng ký thỏa thuận tham gia DR, những khách hàng có đủ điều kiện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải là các khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa và được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút một lần. Tổng công suất của 235 khách hàng tham gia đạt 21 MW.
Căn cứ công suất khả dụng của hệ thống, Công ty xây dựng phương án dịch chuyển phụ tải vào các khung giờ cao điểm và đã được sự đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện. Đồng thời hát động chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện” hoặc “Gia đình xanh” đến các hộ gia đình sử dụng điện tại địa bàn quản lý tham gia các chương trình tiết kiệm điện trên môi trường website, app, mạng xã hội...
Đặc biệt, công tác thi công, sửa chữa hotline đã giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định.
Tại buổi thi công hotline thay chuỗi sứ bị phóng điện có nguy cơ gây sự cố (Trạm 475 E4.11 - Cạnh trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam), ông Hoàng Văn Minh, Đội trưởng đội Hotline - PC Hà Nam cha sẻ: Bởi thực hiện bằng phương pháp hotline nên công nhân không phải cắt điện, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Để đảm bảo cung cấp điện mùa nắng năm 2024, ngay từ đầu năm, đội đã quán triệt rà soát xử lý các khiếm khuyết, đến nay, đã thực hiện được 220 phiên sửa chữa hotline.
Doanh nghiệp chung tay cùng ngành điện
Ông Trương Công Kiên - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Hà Nam cho biết: Thời gian qua, Công ty đã được ngành điện Hà Nam cung ứng điện liên tục cho sản xuất. Đồng thời, Công ty thường xuyên trao đổi, tư vấn các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; có các chương trình bảo dưỡng hệ thống điện trong Công ty; cung cấp nhiều kênh, nhiều phần mềm giúp quản lý điện, cũng như thanh toán tiền điện, giúp công ty giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Với nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm là vấn đề sống còn, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện. Cụ thể, đã chủ động thuê tư vấn để đánh giá thiết bị sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; lắp thêm biến tần cho các động cơ từ 7.5kW trở lên để giảm điện năng tiêu thụ. Cải tạo lại nhà xưởng, văn phòng tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay bóng chiếu sáng sang bóng led. Trong các đợt cao điểm, Công ty đã chủ động cân đối sản xuất, giảm bớt phụ tải các thiết bị hỗ trợ trong giờ cao điểm. Công ty cũng xây dựng các quy định về tiết kiệm điện, giao chỉ tiêu cho từng phân xưởng, bộ phận; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên. Kết quả tiết kiệm điện được xem là một tiêu chí để đánh giá thi đua.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình Tiết kiệm điện và DR, Công ty đã giao cho bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối, phối hợp với bộ phận kế hoạch, sản xuất, bán hàng để trao đổi và cập nhật thông tin trực tiếp từ phía điện lực. Khi điện lực thông báo về thời gian có thể điều chỉnh phụ tải, căn cứ tiến độ giao hàng, Công ty lập tức xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lao động làm việc tăng hoặc giảm ca vào khung giờ thích hợp.
“Ví dụ, nếu chỉ tiết giảm một phần công suất, chúng tôi bố trí cho những bộ phận quan trọng sản xuất, các bộ phận còn lại làm các việc khác như vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị, nhà xưởng. Nếu tiết giảm toàn bộ công suất cả nhà máy, chúng tôi sẽ bố trí công nhân nghỉ” - ông Kiên chia sẻ.
Trong những năm vừa qua, Công ty đã nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được đơn vị Điện lực thông báo. Có những thời điểm, Công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đếm 6,5 MW. Sau khi kết thúc quá trình điều chỉnh phụ tải, Công ty phối hợp với điện lực để có báo cáo chi tiết, rà soát lại kế hoạch sản xuất để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Hiện tại, hàng tháng, sản lượng điện tiêu thụ của Công ty khoảng 3.7 triệu kW, tổng số tiền phải trả khoảng 5.4 tỷ/tháng. Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay, hàng tháng Công ty tiết kiệm được khoảng 2-4% chi phí tiền điện tương đương với 110-220 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Văn Dậu - Giám đốc Nhà máy Công ty Cổ phần nhựa châu Âu (Khu Công nghiệp Đồng Văn) chia sẻ: Những tháng đầu năm 2024, Công ty có sản lượng điện trung bình khoảng 1,6 triệu kWh/tháng, tương ứng với tổng số tiền điện khoảng 2,9 tỷ đồng với công suất sử dụng lớn nhất là 3 MW. Như vậy, tổng sản lượng điện cả năm ước khoảng trên 19 triệu kWh, tương ứng với số tiền khoảng 35 tỷ đồng/năm. Các phụ tải sử dụng điện chính của Công ty gồm: Hệ thống lò gia nhiệt chiếm khoảng 65%, hệ thống máy ép nhựa khoảng 25%; Văn phòng, chiếu sáng, điều hoà và phụ tải khác là 10%.
Để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong mua nắng nóng, Công ty đã được Điện lực Duy Tiên đến tư vấn và trao đổi về sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Căn cứ vào thực trạng máy móc, phụ tải sản xuất của Công ty, trong các khung giờ cao điểm mùa nắng nóng (từ 12h-15h và 21h-24h) đặc biệt các tháng 5,6,7, Công ty có những giải pháp cụ thể như: Thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng; lên kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng máy móc định kỳ, thường xuyên, xây dựng phương án chạy máy phục vụ sản xuất một cách hợp lý; tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, hạn chế dùng đèn thắp sáng; đưa ra quy định thời gian vận hành máy móc, thiết bị rõ ràng; sử dụng giải pháp thay thế từ năng lượng mặt trời. Nếu được sự cho phép và có quy định cụ thể, Công ty sẽ lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng được hệ thống mái xưởng sẵn có và nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời. Ngoài ra, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời giúp giảm được nhiệt (2 - 5 độ) cho mái xưởng, từ đó giảm được chi phí lớn cho việc làm mát từ điều hòa, quạt gió,…
Trong những năm vừa qua, Công ty đã nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được đơn vị Điện lực thông báo. Những lần tham gia điều chỉnh, Công ty đã tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng/ngày và khoảng 100 - 200 triệu/tháng.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình DR, Công ty đã giao cho bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối, phối hợp với phòng kế hoạch sản xuất, văn phòng công ty để trao đổi, cập nhật thông tin trực tiếp từ phía Điện lực. Khi điện lực thông báo về thời gian có thể điều chỉnh phụ tải, căn cứ tiến độ giao hàng, Công ty lập tức xây dựng kế hoạch đối với bộ phận sản xuất, bố trí lao động làm việc tăng hoặc giảm ca vào khung giờ thích hợp.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Kỹ sư trưởng Khách sạn Melia Vinpearl Phủ Lý chia sẻ: Là khách sạn lớn, nằm ở trung tâm thành phố Phủ Lý, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm của ngành điện, đảm bảo cho hoạt động phục vụ khách hàng tốt nhất. Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ cùng ngành điện, Khách sạn cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện, lắp đặt hệ thống bơm nhiệt, biến tần…, từ đó chung tay thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Minh Anh